Theo đó, nội dung quản lý vệ sinh lao động tại cơ sở lao động bao gồm: lập và cập nhật hồ sơ vệ sinh lao động của cơ sở lao động; quan trắc môi trường lao động; khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và khám định kỳ bệnh nghề nghiệp; kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những ảnh hưởng của yếu tố có hại trong môi trường lao động đối với sức khỏe; vệ sinh phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc; bảo đảm đáp ứng yêu cầu về công trình vệ sinh, phúc lợi tại nơi làm việc; tổ chức lực lượng sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động tại nơi làm việc và bảo đảm trang thiết bị sơ cứu, cấp cứu.
Hằng năm, cơ sở lao động sản xuất kinh doanh phải xây dựng nội dung quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động trong kế hoạch an toàn vệ sinh lao động đối với cơ sở.
Thông tư nêu rõ, việc quản lý, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động phải được thực hiện từ thời điểm người lao động được tuyển dụng và trong suốt quá trình làm việc tại cơ sở lao động.
Việc bố trí, sắp xếp vị trí việc làm phải phù hợp với tình hình sức khỏe của người lao động đồng thời đáp ứng các yêu cầu sau:
Không bố trí người bị bệnh nghề nghiệp vào làm việc tại các vị trí lao động có tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đó khi chưa kiểm soát hoặc giảm thiểu được việc tiếp xúc với các yếu tố có hại này.
Hạn chế bố trí người lao động bị các bệnh mạn tính làm việc tại những vị trí lao động có yếu tố có hại liên quan đến bệnh đang mắc. Trường hợp phải bố trí người lao động bị các bệnh mạn tính làm việc tại những vị trí lao động có yếu tố có hại liên quan đến bệnh đang mắc thì người sử dụng lao động phải giải thích đầy đủ các yếu tố có hại đối với sức khỏe của người lao động và chỉ được bố trí làm việc sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của người lao động.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định, hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động gồm: hồ sơ sức khỏe cá nhân của người lao động; hồ sơ quản lý tình hình sức khỏe và bệnh tật của tất cả người lao động đang làm việc tại cơ sở lao động. Tất cả các trường hợp bị tai nạn lao động, nhiễm độc tại nơi làm việc phải được lập hồ sơ cấp cứu tai nạn lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận