09/03/2015 08:23 GMT+7

​Bỏ tiền rước cái ồn ào

PHẠM ĐỖ BÌNH AN (Đăk Nông)
PHẠM ĐỖ BÌNH AN (Đăk Nông)

TT - Tôi đồng cảm với bài viết “Điếc tai với karaoke nhạc sống” trên Tuổi Trẻ ngày 4-3.

 Không chỉ ở TP.HCM và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, rất lâu rồi, ở địa phương huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông quê tôi, hầu như đám cưới, đám tân gia nào cũng thuê dàn nhạc sống về “hát cho nhau nghe” vào lúc khách ăn tiệc.

Một CLB khiêu vũ dùng dàn loa công suất lớn để mở nhạc tập luyện trong công viên Gia Định, Q.Gò Vấp  - Ảnh: Minh Mẫn

Buổi tối hôm trước của đám, gia chủ tổ chức ít cũng mươi, mười lăm mâm, thành phần gồm thân nhân trong gia đình cùng khách là bạn bè thân thuộc của gia chủ.

Lẽ ra lúc này là lúc để mọi người xa gần gặp nhau tay bắt mặt mừng, thăm hỏi đủ mọi chuyện về cuộc sống, chuyện làm ăn... song chỉ độ mươi phút sau khi nhập tiệc là nhạc bắt đầu nổi lên.

Mà nhạc có phải nhỏ đâu, 4-5 loa công suất lớn cùng lúc phát ra những âm thanh cực to, đến những người ngồi kế nhau chẳng ai nói, ai nghe được, đành nín thinh để uống, để ăn và khi bài hát vừa dứt thì nói vội vài câu để... lại phải nín, vì bài hát tiếp theo nổi lên.

Đến khoảng 8g tối, tiệc này tan thì tiếp đến là tiệc “kẹo hồng” của bạn bè cô dâu hoặc chú rể, lúc này đám thanh niên trổ hết tài năng hát liên tục đến tận 11g đêm.

Trong rạp chẳng ai còn trao đổi với nhau gì được, mà người làng có khi cũng phát điên bởi tiếng đàn, tiếng ca ầm ầm vọng xa tới nửa cây số.

Chính tiệc thường vào buổi trưa hôm sau, 11g vào làm lễ tân hôn cũng là lúc cỗ được dọn ra, lễ khoảng 15 phút thì đến cao điểm “hát”. Từ đó đến khi xong tiệc khách khứa chỉ biết nín thinh, bởi tiếng loa trên sân khấu, tiếng la hét của đám thanh niên cổ vũ.

Tan tiệc họ cũng chỉ biết chào nhau bằng cái bắt tay hoặc ký hiệu, đại đa số ra về với vẻ không vui vì lâu ngày mới gặp mà không thể trao đổi với nhau những gì muốn nói, muốn hỏi.

Khổ hơn cả là những ông, bà già thương con, thương cháu đến dự đám mà bị nhạc “hành” đến chói tai, nhức óc; nhiều cụ cả hai bữa chỉ ăn qua loa vài miếng rồi bảo con cháu đưa về ngay.

Đến thanh niên cũng không ít người bực bội, họ ăn uống cho nhanh rồi rủ nhau ra cái quán hay chỗ thanh vắng nào đó xa đám để chia sẻ chuyện học hành hay chuyện riêng tư...

Nhạc sống hát trong bữa tiệc đã trở thành phong trào nên nhiều nhà trước đám định không rước dàn nhạc, lại bị người làng phản đối hoặc bị phê phán là “thiếu thức thời”. Họ đành bấm bụng bỏ tiền tới 4-5 triệu đồng để rước cái ồn ào về cho... thêm bệnh tức.

Đám tiệc rất cần những âm thanh cho xôm tụ, nhưng êm đềm, nhỏ nhẹ đủ nghe thôi, chứ ầm ĩ quá ai cũng thấy phiền lòng!

 

PHẠM ĐỖ BÌNH AN (Đăk Nông)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên