14/07/2015 06:02 GMT+7

Bỏ thu phí xe máy trên toàn quốc, tại sao không?

VÕ HƯƠNG - MINH MẪN - TRÀ MY
VÕ HƯƠNG - MINH MẪN - TRÀ MY

TTO - Đà Nẵng, Khánh Hòa lần lượt cho tạm dừng triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy. Sài Gòn, Hà Nội tại sao không?

Xe máy chen chúc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Nhiều người dân cả nước đã lên tiếng đồng tình với việc bỏ thu phí xe máy hiện nay.

Nhiều địa phương nói không

Mới đây, thường trực HĐND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị UBND TP chưa triển khai việc tổ chức thu phí xe máy ở TP cho đến khi HĐND TP nghe báo cáo toàn bộ vấn đề có liên quan đến việc tổ chức thu phí.

Trước đó vào ngày 18-6, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nói: “Hà Nội đồng tình với đề nghị bãi bỏ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy của TP.HCM. Hà Nội ủng hộ nếu trung ương quyết định bãi bỏ quy định thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy”.

Trong khi đó, tuần qua, Đà Nẵng và Khánh Hòa lần lượt cho tạm dừng triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy. 

Xe máy là phương tiện hiệu quả nhất với cấu hình đô thị Việt Nam hiện nay - TS kinh tế Huỳnh Thế Du nhận định

Người dân đang quá tải

Đó là ý kiến của PGS.TS Phạm Hồng Thái, trưởng bộ môn quản trị kinh doanh khoa vận tải kinh tế, ĐH GTVT Hà Nội. Ông Thái cho rằng hiện nay có nhiều loại phí đang được tiến hành thu, thậm chí xuất hiện cùng một thời điểm khiến người dân cảm thấy quá tải.

Đối với phí xe máy, người dân chưa cảm nhận rõ về lợi ích thực tế mà loại phí này mang lại cho họ. “Họ không biết mình sẽ được hưởng gì từ việc nộp phí và Nhà nước sẽ sử dụng nguồn phí này cụ thể như thế nào thì sao ủng hộ được?”, TS Phạm Hồng Thái nói.

Một vấn đề khác cần đặt ra theo TS Phạm Hồng Thái là liệu số tiền phí thu được có bù được cho mức chi phí phải bỏ ra để tổ chức thu hay không.

“Nếu số tiền phải chi cho việc tổ chức còn lớn hơn tiền thu về thì có nên thực hiện không?”, ông Thái đặt câu hỏi.

Đối với vấn đề không đồng bộ trên cả nước trong việc thu phí xe máy, nơi thì thực hiện, nơi thì không thu, PSG.TS Phạm Hồng Thái cho rằng như thế là bất cập và thiếu công bằng.

Có cùng quan điểm này, TS kinh tế Huỳnh Thế Du khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, việc thu phí diễn ra không đồng bộ trên cả nước. Bên cạnh đó phí thu vào rất thấp so với ngân sách phải bỏ ra để chi trả cho việc tổ chức thu. Vậy nên việc thu phí xe máy hiện nay là hoàn toàn không hợp lý và nên dừng lại.

Ở góc độ quản lý, PGS Phạm Hồng Thái nhận định Nhà nước phải có sự điều tiết giữa các địa phương trong vấn đề thu chi, nếu địa phương nào có nguồn thu dồi dào có thể chia sẻ cho địa phương khác. Một điều quan trọng là từng địa phương phải có giải pháp để bù vào khoản phí không thu đó.

Nếu thu, nên miễn giảm cho người nghèo

“Nếu trong trường hợp phải thu phí thì Nhà nước vẫn có thể xem xét để những người nghèo, có thu nhập thấp sẽ đóng khoản phí phù hợp với điều kiện kinh tế của họ hoặc miễn luôn”, PGS.TS Phạm Hồng Thái đề nghị.

Trong một phân tích khác, TS Huỳnh Thế Du nhận định việc thu phí xe máy bên cạnh mục tiêu tăng ngân sách, xây dựng cơ sở hạ tầng còn nhằm giảm số lượng xe máy, nhất là tại các thành phố lớn.

Tuy nhiên so với cấu hình đô thị Việt Nam hiện nay, xe máy lại chính là phương tiện lưu thông phù hợp nhất. Ở các nước khác, diện tích đất dành cho giao thông chiếm 15 - 20%, trong khi tại các thành phố lớn của Việt Nam, diện tích này chỉ khoảng 8%. Rõ ràng các phương tiện như ôtô không thể phát triển và phù hợp như xe máy trong bối cảnh hiện tại.

“Muốn giảm số lượng xe máy trong khi cơ sở hạ tầng giao thông và các phương tiện khác chưa đủ điều kiện đáp ứng thì tại sao lại muốn thu phí để giảm xe máy?”, TS Huỳnh Thế Du đặt vấn đề.

Cảnh chen chúc trên đường ở TP.HCM

Tiền thu được đi về đâu?

Độc giả Như Thành bày tỏ: "Tôi không tiếc gì mấy trăm ngàn đồng để đóng, nhưng phải cho dân biết là tiền đóng cụ thể làm những việc gì. Chúng tôi biết rõ những lợi ích mình được hưởng mà hợp lý, thiết thực thì có đóng nhiều hơn vẫn đóng".

Anh Nguyễn Quý (Đồng Nai) thắc mắc anh đã đóng phí này 2 năm (2014 và 2015) do địa phương thu, giờ nhiều nơi chưa có sự thống nhất, vậy số tiền anh đóng hai năm qua hiện đang ở đâu và dùng để làm việc gì?

Một độc giả bức xúc: "Tiền xe ai mua? Tiền xăng ai mua? Tiền môi trường ai đóng? Thuế thu nhập cá nhân ai đóng?... Tình trạng đường sá hạ tầng như thế nào thì tất cả đô thị, người tham gia giao thông đều biết. Vậy đóng phí rồi thì những con đường có tốt hơn không? Tiền vẫn thu và tình trạng giao thông kém, tai nạn vẫn tăng thì thu để làm gì?".

Nghe các phát biểu trong bài:

>> PGS.TS Phạm Hồng Thái

>> TS. Huỳnh Thế Du

VÕ HƯƠNG - MINH MẪN - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên