Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Riêng với ngành sư phạm, ngành y, chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể quy định ngưỡng đầu vào nên cũng không ảnh hưởng gì.
Đại học sẽ có nhiều phương thức tuyển sinh
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - nhận định: "Theo tôi, việc này không ảnh hưởng gì đến việc tuyển sinh của các trường ĐH vì thực tế nhiều trường đã xét bằng học bạ. Khi đó, trường chúng tôi sẽ chuyển sang xét học bạ hết và xét tuyển thẳng học sinh các trường chuyên".
Tương tự, TS Trần Đình Lý cũng cho rằng với thực tế hiện nay, việc tính đến chuyện bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020 là hoàn toàn hợp lý.
"Những năm qua, nhiều trường đã ưu tiên xét tuyển học sinh các trường chuyên, tốp 100 trường THPT tốt nhất. Nếu giả sử không có kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH tốp trên vẫn có thể tiếp tục xét tuyển theo cách chọn học sinh trường tốp 100, các trường tốp giữa và tốp dưới sẽ chọn các tốp trường tiếp theo ở các phân khúc phù hợp. Với phương thức tuyển sinh đa dạng sẽ thuận lợi cho cả trường và thí sinh" - ông Lý nhận định.
Còn theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), từ năm ngoái các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đã dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực và nhiều phương thức xét tuyển khác, nên nếu năm nay không có kỳ thi THPT quốc gia thì các trường sẽ bỏ phương thức xét điểm thi THPT quốc gia và điều chỉnh chỉ tiêu cho các phương thức còn lại.
Xét học bạ và thi năng lực
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết giả sử nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia, lúc đó nhà trường sẽ tính đến các phương án khác để tuyển sinh.
"Khi đó chắc chắn nhà trường sẽ linh động xây dựng các phương thức tuyển sinh phù hợp để thay thế cho việc xét điểm thi THPT quốc gia. Ví dụ, có thể trường xét học bạ kết hợp với kiểm tra năng lực tiếng Anh của thí sinh hoặc đặt ra một số tiêu chí để sơ tuyển, sau đó tổ chức thêm kỳ thi riêng dành cho thí sinh đủ điều kiện" - ông Khôi nói.
Còn theo TS Nguyễn Thị Minh Hồng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề án tuyển sinh (dự kiến) hiện nay của trường gồm nhiều phương thức tuyển, trong đó có phương thức sử dụng kết quả thi quốc gia.
"Nếu không thi nữa thì chắc chắn là có ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, các trường phải tự chủ và chủ động trong tuyển sinh, chúng tôi sẽ bổ sung phương án cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tuyển được đúng thí sinh có năng lực phù hợp, đảm bảo quyền lợi và công bằng.
Riêng với ngành sư phạm, ngành y chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể quy định ngưỡng đầu vào nên cũng không ảnh hưởng gì" - bà Hồng khẳng định.
Xếp hạng học sinh để xét tuyển
Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị ĐH FPT - cho biết từ ngày 1-4, trường này đã mở trang SchoolRank - công cụ tra cứu xếp hạng học sinh THPT đầu tiên tại Việt Nam.
Theo đó, học sinh cần nhập điểm tổng kết 9 môn học cơ bản trong chương trình học tập của lớp 11 và lớp 12 (học kỳ 1) hoặc điểm thi THPT quốc gia vào trang SchoolRank để biết mình đứng ở thứ hạng nào. Sau khi tra cứu, học sinh trong top 50 sẽ được cấp giấy chứng nhận qua email.
"Năm 2020, tất cả thí sinh đăng ký vào ĐH FPT đều phải có chứng nhận từ trang xếp hạng này. Chỉ những thí sinh nằm trong top 50 THPT 2020 (50 % học sinh có năng lực tốt nhất mỗi năm) mới đủ điều kiện xét tuyển vào trường. Trường hợp kỳ thi THPT quốc gia năm nay không diễn ra thì thí sinh chỉ cần nhập điểm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12, chúng tôi cũng có một bảng xếp hạng để dùng" - ông Tùng khẳng định.
Hơn 6.500 ý kiến ủng hộ bỏ thi THPT quốc gia
Để rộng đường dư luận, tuoitre.vn đã tổ chức thăm dò bạn đọc với câu hỏi trước tình hình dịch COVID-19, nhiều ý kiến đề xuất bỏ thi THPT quốc gia, bạn "ủng hộ", "không ủng hộ", "ý kiến khác". Kết quả tính đến 11h ngày 10-4 có 6.538 ủng hộ, 1.549 không ủng hộ và 204 ý kiến khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận