Kỳ 1:
Phóng to |
TS.BS Trương Quang Định trong một lần đến thăm bé Phi Long - Ảnh: Bác sĩ Trương Quang Định cung cấp |
Trong lúc đi khảo sát khoa nhi, tình cờ thấy một bé đang nằm cứ khóc ngằn ngặt, TS.BS Trương Quang Định (phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2) hỏi thăm mới hay bé mới sinh ra được mấy ngày tuổi và không có hậu môn. Người nhà muốn bỏ bé nên nhờ bác sĩ bế vào cho mẹ gặp mặt lần cuối.
Chuyến đi dang dở
“Ba tháng sống độc lập là cả một hành trình vượt qua bão táp. Có đôi lúc chính các bác sĩ hội chẩn đã thốt lên rằng: Dừng lại và chấp nhận đi anh ơi! Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết mình, cho dù tia hi vọng thật mong manh... Tiễn con ra đi, các cô điều dưỡng mắt đỏ hoe nghẹn ngào, các bác sĩ nghẹn lời, nước mắt chảy ngược vào trong. Thôi thì bệnh viện tiếp tục nuôi dưỡng Phi Long thêm một thời gian để ba mẹ lo trọn vẹn cho Phi Phụng...”. Đó là những dòng đầy tâm trạng mà TS.BS Trương Quang Định đã viết trên trang cá nhân về sự ra đi của bé Phi Phụng. |
“Tôi tin rằng phẫu thuật xong đứa trẻ này sẽ sống - bác sĩ Trương Quang Định nói - Không thể để bé chết như vậy được. Tôi nói chuyện với ông bà của đứa trẻ. Người nhà cương quyết không phẫu thuật, xin về. Tôi hỏi các đồng nghiệp của mình có thể phẫu thuật cho bé trong điều kiện tại Bệnh viện Phú Yên không, các bác sĩ đều đồng ý. Tôi nói với ông bà của đứa bé rằng nếu được phẫu thuật chắc chắn bé sẽ sống và chúng tôi sẽ thực hiện ngay tại đây”.
Và cuộc phẫu thuật trong cuộc gặp gỡ định mệnh đã diễn ra ngay sau đó. Quên luôn chuyện ăn uống, gạt qua một bên cả kế hoạch đi tham quan gành Đá Dĩa (dù đã được bệnh viện lên kế hoạch lúc 13g), bác sĩ Định và êkip đã giành lại cuộc sống cho một đứa trẻ xa lạ.
Ca phẫu thuật kết thúc. Đồng hồ chỉ gần 15g. Lúc này bác sĩ Định và các thành viên mới ăn trưa. Những cảm xúc đặc biệt sau ca phẫu thuật không hề có trong kế hoạch ấy đã được anh chia sẻ trên trang cá nhân: Bỏ một cuộc đi chơi nhưng cứu được một mạng người, chúng tôi thấy mình hạnh phúc tràn trề. Thay vì đăng hình ảnh chúng tôi tươi cười bên danh thắng gành Đá Dĩta của Phú Yên, tôi đã đưa lên Facebook của mình hình ảnh cháu Kim đã được cứu sống.
Anh bảo: “Có những lúc bác sĩ đứng trước bệnh nhân chỉ là khoảnh khắc. Khoảnh khắc bác sĩ quyết định phải làm điều gì đó để cứu sống một đứa bé. Muốn như vậy phải có kinh nghiệm và kiến thức. Tôi luôn tâm niệm: bằng mọi giá phải tập trung những phương tiện tốt nhất để cứu bệnh nhân. Làm hết mức mình có được, mình làm được. Coi như đó là con mình, là người nhà mình. Dĩ nhiên ai cũng hiểu y khoa không thể hoàn thiện. Nhưng bạn cứ nỗ lực hết sức đi. Để nếu kết quả không như ý nguyện của mình thì cũng không phải ân hận”.
Thật vậy, một ca sơ sinh khác cũng bị thoát vị hoành bẩm sinh, có chẩn đoán trước sinh, vừa xảy ra gần đây nhất. “Ngay khi bé vừa cất tiếng khóc chào đời đã chuyển qua Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngay. Tôi tiên lượng sẽ có nguy cơ tràn khí màng phổi do trẻ sinh non tháng mà phải đặt nội khí quản bóp bóng giúp thở, nên đã báo cho nhân viên hồi sức phải chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận bé. Đúng như dự đoán, bé bị tràn khí màng phổi, nhưng đã được các bác sĩ hồi sức chọc hút màng phổi cấp cứu kịp thời. Máy thở cũng đã được chuẩn bị sẵn. Bé bị suy hô hấp nặng, phải hồi sức lâu dài và phẫu thuật, sau mổ lại bị xẹp phổi, viêm phổi cứ tái đi tái lại. Chúng tôi phải huy động những phương tiện tốt nhất để cứu bé. Mất gần hai tháng nằm viện, rồi bé cũng khỏe mạnh về với gia đình. Bây giờ thỉnh thoảng nhìn ảnh bé tươi cười mà ba bé đăng lên Facebook, tôi cảm thấy ấm lòng!”.
TS.BS Trương Quang Định với bệnh nhi là hai chị em gái song sinh - Ảnh: Bác sĩ Trương Quang Định cung cấp |
Quyết định sinh tử
Nói về bác sĩ Định, không thể không nhắc đến ca mổ tách dính cặp song sinh Phi Long - Phi Phụng vừa diễn ra tháng 11-2013 mà anh chính là “tổng tư lệnh” với một êkip lên tới 70 người.
Có nên phẫu thuật hay không, và phẫu thuật lúc nào? Đó là quyết định đầy áp lực với bác sĩ Trương Quang Định trong một thời gian dài. Trước phẫu thuật khó có thể biết chính xác hai bé dính nhau bên trong như thế nào. Với những hình ảnh từ siêu âm tim, chụp CT cắt lớp, cho ra nhiều kết quả khác nhau. Bao nhiêu êkip mời vào đều đưa ra nhiều giả thiết. Và có những giả thiết cực kỳ phức tạp. Bệnh viện tiến hành nhiều cuộc hội chẩn với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Mỗi lần như thế lại ra nhiều ý kiến khác nhau về trường hợp song sinh này. Một số chuyên gia khuyên không nên mổ vì có nguy cơ tử vong cả hai bé. Khi gửi hồ sơ xin ý kiến các vị giáo sư chuyên về phẫu thuật tách dính song sinh ở nước ngoài, với ca dính nhau phức tạp này họ chỉ dừng lại ở góc độ tư vấn.
“Nếu không phẫu thuật tách dính kịp thời, Phi Phụng càng ngày càng nặng sẽ đe dọa tính mạng cả hai bé. Vì vậy tôi quyết định phải phẫu thuật” - bác sĩ Định kể. Khi ấy là tháng 4-2013.
Mổ. Nhưng không thể mạo hiểm trên sinh mạng hai đứa trẻ. Người bác sĩ ấy suy nghĩ mấy tháng trời. Anh đọc sách, theo dõi tài liệu, gửi email hỏi những thầy lớn tuổi, những chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước.
Những tình huống khó nhất, xấu nhất đã được vạch ra. Trước ngày mổ, êkip lên tới 70 người đã được tập dượt tất cả trên năm tình huống. Mỗi tình huống tương ứng với một kế hoạch cụ thể về nhân sự cũng như máy móc. “Không như nhiều cặp song sinh khác, Long - Phụng có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ. Đó là áp lực rất lớn. Đang phẫu thuật, nếu phải quyết định hi sinh bé này, cứu bé kia hoặc phải đóng lại, không phẫu thuật nữa... Tất cả tình huống đó, người trưởng êkip phải tham khảo ý kiến các chuyên gia và đưa ra quyết định cuối cùng”.
Sau ca phẫu thuật từ 6g sáng đến gần 6g tối TS.BS Trương Quang Định mới rời khỏi phòng mổ. Gương mặt anh phờ phạc, mệt mỏi sau 12 tiếng đồng hồ căng thẳng. Anh nấu vội tô mì gói, vội vàng ăn khi mì chưa kịp chín. Vừa ăn, anh vừa trả lời phỏng vấn của cánh phóng viên “rượt” đến tận phòng. Sau ca phẫu thuật đặc biệt ấy, TS.BS Trương Quang Định thường xuyên cập nhật những thông tin và hình ảnh về Phi Long - Phi Phụng. Tấm ảnh Phi Long nắm ngón tay mẹ, hình Phi Long nhìn bác sĩ Định với ánh mắt rất tình cảm... đăng trên Facebook của anh đã từng khiến bao trái tim ông bố, bà mẹ trên Facebook xúc động về tấm lòng của người thầy thuốc trẻ.
“Tôi chỉ ước có nhiều thời gian hơn nữa thì mình sẽ làm tốt hơn được mọi việc”, TS.BS Trương Quang Định có lần bảo. Lịch làm việc của anh trong ngày chúng tôi đến gần đây nhất là: 6g sáng dậy, đưa con đi học, vào bệnh viện giao ban, trả lời phỏng vấn của đài truyền hình, phẫu thuật, lên lớp giảng dạy sinh viên. Bác sĩ Định bảo: “Tôi pha ly cà phê từ sáng sớm mà tới giờ này chưa uống được. Bây giờ gần 12g30 mà vẫn còn đang trả lời phỏng vấn, lát ăn cơm rồi lại đi họp ở Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Chiều tối về làm phòng mạch kiếm sống”. Anh chỉ càmen cơm trên góc bàn nói: “Tôi phải mang cơm theo vì không có thời gian chạy ra ngoài ăn nữa”.
__________
Kỳ tới: Chuyện ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận