Một lò mổ và “hóa kiếp” xe tải, xe khách hết “đát” - Ảnh: Hoàng Bách |
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, đến nay cả nước có 162.619 phương tiện hết niên hạn, trong đó 116.859 xe tải, 45.760 xe chở người. |
Trong khi đó, chủ phương tiện thì tiếc của, “hóa kiếp” thành xe mới để tiếp tục lưu thông trên đường...
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, đã từ nhiều năm nay ôtô, xe tải các loại sau khi hết niên hạn sử dụng (xe tải là trên 25 năm, xe khách trên 20 năm) sẽ được hàng trăm chủ lò mổ xe chuyên nghiệp tại làng Tề Lỗ, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc mua lại để tái chế, “hóa phép” thành xe mới.
“Hóa kiếp” xe hết “đát”
Tuy là thời gian đầu năm nhưng cảnh người mua bán tại làng Tề Lỗ đã rất sôi động. Trung bình phụ tùng của ôtô, xe máy chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy thuộc thời gian đã sử dụng được chủ bãi “kiểm định” để định giá.
Một ông chủ kinh doanh phụ tùng xe hết “đát” tại làng Tề Lỗ cho biết có những chiếc ôtô khi mua về bãi chỉ có giá 15 - 20 triệu, tương đương giá bán sắt vụn.
Sau khi đưa về lò mổ, thiết bị trong xe hư hỏng sẽ được thay thế bằng những phụ tùng hết “đát”, hoen gỉ nằm chờ sẵn tại bãi. Công đoạn tiếp theo là sơn làm mới xe. Tùy vào chất lượng xe, chỉ trong một thời gian ngắn qua tay thợ thì chiếc xe sẽ được “hóa kiếp” như mới.
Nhiều chủ bãi kinh doanh phụ tùng, mông má xe tại Tề Lỗ tiết lộ nếu khách cần cơi nới thùng rộng ra hay cao thêm để chở hàng hóa thì cũng có thể làm được ngay. Xe hết “đát” các loại sau khi làm mới có giá vài chục triệu.
Tại Tề Lỗ, có ông T. phất lên sau vài năm kinh doanh phụ tùng, xe cũ nát dưới vỏ bọc sắt vụn. “Nói là kinh doanh sắt vụn nhưng thực chất là làm phụ tùng vì những thứ gì quá nát không thể lắp vào xe được mới phải bỏ đi. Sau mỗi con xe mông má lại trừ chi phí lời 5-7 triệu nên ai cũng ham làm”.
Không chỉ mổ ôtô, xe tải mà làng Tề Lỗ cũng nổi tiếng làm mới xe máy. Chỉ cần khoảng 4-5 triệu cũng có thể mua được một chiếc xe máy để đi.
Tiềm ẩn nguy hiểm
Xe hết “đát”, bị tai nạn sau khi mông má sẽ được bán về các vùng quê khác để tiếp tục sứ mệnh chở người và hàng hóa. Điều đáng nói là những chiếc xe này có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Hệ - trưởng phòng kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) - cho biết: “Hằng năm Cục Đăng kiểm sẽ có thống kê về xe hết niên hạn để thông tin cho chủ phương tiện cũng như cơ quan chức năng biết để rà soát. Xe hết niên hạn nếu vẫn bất chấp để sử dụng hoặc hoán đổi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì tình trạng, điều kiện kỹ thuật hoạt động không thể đảm bảo”.
Ông Hệ cho biết thêm xe hết “đát” là xe đời cũ, sử dụng nhiều năm nên thiết bị đã hao mòn dẫn đến chất lượng kém đi nhiều và tính rủi ro khi sử dụng tăng cao. Xe quá “đát” không được cơ quan chức năng kiểm định, tự hoạt động nên cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm so với xe được kiểm định đúng định kỳ.
Xử mạnh tay với xe hết “đát”
Một lãnh đạo Phòng CSGT TP Hà Nội cho biết hiện nay xe hết “đát” đang được đưa về các vùng quê để sử dụng đưa đón học sinh, chở hàng hóa. Xe tải, xe khách hết “đát” sau khi bị cơ quan chức năng tịch thu sẽ được lập hồ sơ xử lý chuyển tới Nhà máy gang thép Thái Nguyên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cho biết đơn vị này thường xuyên cập nhật danh sách xe hết “đát” do Cục CSGT cung cấp. Nếu phát hiện phương tiện hết hạn kiểm định thì tiến hành lập biên bản tạm giữ và tịch thu xe theo quy định.
Đồng thời căn cứ theo danh sách đó, phòng CSGT thực hiện các biện pháp tuyên truyền để vận động những người đang sử dụng xe hết niên hạn phải liên hệ phòng CSGT để nộp lại biển số.
Nếu đã tuyên truyền mà người dân không tự giác thì lực lượng chức năng thu hồi biển số, đăng ký xe và đình chỉ lưu hành những xe hết “đát”.
Để làm được việc này, các cơ quan chức năng tại các địa phương cần phải làm tốt vai trò quản lý và nâng cao năng lực xử lý thì xe hết “đát” mới không còn đất sống.
Mất thời gian, công sức Hiện nay ở Khánh Hòa đang có gần 500 xe vận tải người và hàng hóa đã hết niên hạn sử dụng kể từ ngày 31-12-2016. Ông Phù Minh Sơn, giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo quy định đối với các xe đã hết niên hạn sử dụng thì Phòng CSGT Công an tỉnh phải thu hồi biển số xe, giấy đăng ký xe và xe không được phép hoạt động nữa. Thế nhưng, thực tế có nhiều xe lén lút hoạt động hoặc chuyển sang vận chuyển hàng hóa. Trung tá Lê Thị Minh Lương - đội trưởng đội đăng ký xe thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa - cho biết đối với những xe hết “đát” thì Phòng CSGT mời các chủ xe đến nộp lại giấy đăng ký xe và biển số để hủy. Tuy nhiên, hầu hết các chủ xe không đến. Trong khi đó nếu làm tới nơi tới chốn nhờ công an xã, phường truy tìm để giao giấy mời, buộc chủ xe đến nộp lại biển số, giấy đăng ký xe thì sẽ mất rất nhiều công sức, thời gian. Theo ông Cao Tấn Lợi - phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, các cơ quan đăng kiểm, CSGT chỉ làm được các bước không cấp đăng kiểm, thu hồi biển số, giấy đăng ký xe. Trong khi đó, nhiều xe khách, xe tải hết “đát” đã được bán hoặc chuyển về các vùng nông thôn để tiếp tục hoạt động, kinh doanh vận tải như chở mía, gỗ, hàng hóa trong phạm vi, khu vực hẹp. Khi bị phát hiện, xử lý thì nhiều tài xế, chủ xe hết niên hạn đó “bỏ của chạy lấy người”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận