28/06/2014 08:06 GMT+7

Bó tay với "5 năm kinh nghiệm"

BÌNH NGUYÊN
BÌNH NGUYÊN

TT - Vài tuần gần đây, hầu như trường học nào có giáo viên nước ngoài cũng đều nháo nhào bởi giấy phép lao động.

Nguyên nhân là do nghị định 102/2013 của Chính phủ và thông tư 03/2014 của Bộ Lao động - thương binh và xã hội yêu cầu giáo viên nước ngoài phải có giấy tờ xác nhận có ít nhất năm năm kinh nghiệm khi xin cấp phép lao động.

Quy định mới khiến các trường quốc tế hoặc các cơ sở giáo dục có giáo viên nước ngoài bật ngửa. Hiệu trưởng một trường phổ thông quốc tế lắc đầu: ”Chúng tôi quá mệt mỏi với sự thay đổi liền tù tì của pháp luật. Có cảm tưởng như các cơ quan quản lý ở trên cao thích quy định thì quy định, không cần biết nỗi khổ thực thi ở dưới ra sao”. Ông thuật lại trường đến sở lao động - thương binh và xã hội trình bày hoàn cảnh, cán bộ ở đó khuyên cứ yêu cầu giáo viên bổ túc hồ sơ, họ là ai chăng nữa thì cũng như người Việt Nam khi xin việc phải chạy đủ giấy tờ.

Tuy nhiên, chuyện đâu đơn giản vậy. Mình cần người ta chứ người ta chưa chắc đã cần mình. Thứ nhất, thủ tục đặt ra rất nhiêu khê. Ví dụ, có những giáo viên từng dạy ở nhiều nước khác nhau như Mỹ, Hàn Quốc, Ai Cập, Ấn Độ... chẳng lẽ họ phải đến từng nước đó để xin xác nhận? Chưa kể muốn xác nhận đó có giá trị pháp lý, sau đấy còn phải thực hiện hàng loạt thủ tục như chứng thực tại nước cấp xác nhận, chứng thực tại lãnh sự quán, hợp pháp hóa lãnh sự, dịch thuật, công chứng tại Việt Nam... Thứ hai, giáo viên ở Mỹ, Canada hay Úc được đào tạo rất chuẩn, chỉ cần có bằng sư phạm là có thể hành nghề. Những nước ấy có nền giáo dục vượt xa Việt Nam, họ còn ”xài” giáo viên của họ được, mắc gì ở Việt Nam đòi phải năm năm kinh nghiệm?

”Nếu thủ tục nhiêu khê quá mà giáo viên từ chối sang Việt Nam hoặc không xin phép lao động được thì nhà trường cầm chắc việc phải đóng cửa một số lớp học và kéo theo đấy những hậu quả vô cùng khó lường” - vị hiệu trưởng lo lắng.

Cũng trong tâm trạng bức bối, chủ tịch hội đồng quản trị một trường phổ thông quốc tế tại TP.HCM cho hay trường có gần 70 giáo viên nước ngoài. Trong bảng lương của trường, mức chênh lệch lương giữa giáo viên dưới bốn năm kinh nghiệm và năm năm kinh nghiệm là 3.500 USD/năm. Như vậy, nếu bắt buộc tất cả giáo viên đều phải tối thiểu năm năm kinh nghiệm thì quỹ lương sẽ tăng lên tới 245.000 USD/năm. Khoản chi phí ngoài kế hoạch này lấy đâu ra? Trong khi đó đâu phải cứ có nhiều giáo viên thâm niên cao là tốt cho chất lượng giáo dục. ”Một trường phổ thông muốn có sức bật và sự năng động thì bên cạnh giáo viên có thâm niên cao còn phải có một tỉ lệ nhất định giáo viên trẻ” - vị chủ tịch hội đồng quản trị nói.

Một số chuyên gia cũng lo ngại rằng quy định khắt khe về giấy phép lao động như trên sẽ cản trở đáng kể đối với cuộc cạnh tranh thu hút chất xám từ nguồn lao động nước ngoài giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực.

Chúng ta đã được nghe một số lãnh đạo cấp cao tuyên bố về việc kiến tạo một nhà nước phục vụ. Phục vụ có nghĩa là tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các quyền tự do của mình một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Thế nhưng với hệ thống luật pháp luôn ”chập chờn” và đẩy cái khó cho người thực thi, điển hình như quy định cấp phép lao động kể trên thì câu chuyện về một nhà nước phục vụ sẽ còn ở thì... tương lai xa!?

BÌNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên