12/04/2008 06:14 GMT+7

Bó tay vì thiếu thuốc cấp cứu!

LAN ANH
LAN ANH

TT - Vì thiếu thuốc cấp cứu nên đã có trẻ tử vong ngay trên đường chuyển viện, dù những loại thuốc cấp cứu này giá rẻ và có tác dụng như "thuốc tiên" trong việc cứu sống bệnh nhân.

I8fOCpgP.jpgPhóng to

BS Bạch Văn Cam nói về các loại thuốc cấp cứu mà nhiều BV không có để điều trị - Ảnh: L.T.H.

TT - Vì thiếu thuốc cấp cứu nên đã có trẻ tử vong ngay trên đường chuyển viện, dù những loại thuốc cấp cứu này giá rẻ và có tác dụng như "thuốc tiên" trong việc cứu sống bệnh nhân.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Khoảng 10g30 ngày 9-4, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP.HCM tiếp nhận cấp cứu bé K Thị Thanh (5 tuổi, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) bị ngộ độc khoai mì cao sản từ BV Đa khoa Bình Thuận chuyển vào. Lý do chuyển viện được BV này ghi rõ: "BV không có thuốc Sodium thiosulfat".

Theo mẹ của bệnh nhi (BN), do gia đình quá nghèo nên bà thấy có một bụi khoai mì cao sản mọc ven suối sau nhà liền đào lên đem luộc ăn. Bà chỉ ăn một mẩu nhỏ và nhường cho con ăn hai củ. Ăn lúc 14g ngày 8-4, đến khuya cùng ngày trong khi đang ngủ bé Thanh đột nhiên ói mửa, trợn mắt, khó thở và co giật. Bà vội vàng đưa con đến BV Đa khoa Bình Thuận. Lúc này bé đã rơi vào tình trạng lơ mơ, môi tím, đồng tử giãn, thở nhanh do thiếu oxy não. Các bác sĩ (BS) của BV Bình Thuận cho bé thở oxy, uống than hoạt tính và truyền dịch rồi cấp tốc chuyển viện.

Khi đến BV Nhi Đồng 1, bé Thanh được BS cho truyền ngay chín ống Sodium thiosulfat. Đến 13g30 ngày 9-4 bé hết khó thở, không cần hỗ trợ thở oxy, sức khỏe hồi phục tốt. Theo BS Bạch Văn Cam - trưởng khối hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1 - một ống Sodium thiosulfat chỉ có 14.000đ.

Trẻ chết trên đường chuyển viện

Thiếu thuốc cấp cứu không chỉ xảy ra ở tỉnh. Mới đây vào ngày 11-3, BV Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận cấp cứu một BN mới bốn tháng tuổi ở TP.HCM là con của một người nước ngoài. BN bị ngộ độc nitrite có trong củ dền đến cấp cứu tại một phòng khám đa khoa quốc tế ở Q.1. Thế nhưng phòng khám này cũng không có thuốc Methylene blue để cấp cứu trẻ, trong khi thuốc này giá chỉ khoảng 27.000đ một ống. Theo BS Cam, điều đau lòng nhất là vì thiếu thuốc cấp cứu nên đã có trẻ tử vong ngay trên đường chuyển viện.

Qua tìm hiểu của Tuổi Trẻ, những thuốc cấp cứu rẻ tiền và nhu cầu sử dụng của các BV không nhiều nên các công ty có chức năng xuất nhập khẩu dược phẩm không mặn mà lắm. Mặt khác, vì lợi nhuận thu được từ thuốc này không cao.

Chín ống thuốc cấp cứu giá chỉ 126.000đ. Nếu không thiếu thuốc này, BV Đa khoa Bình Thuận và bản thân gia đình BN sẽ không phải tốn kém hàng triệu đồng cho việc chuyển viện và đi lại, ăn ở. Đặc biệt là tính mạng cháu bé không bị đe dọa.

Thiếu nhiều năm nay

BS Cam cho biết không chỉ BV Bình Thuận mà nhiều BV tỉnh ở khu vực phía Nam đều thiếu hai loại thuốc cấp cứu này. Việc thiếu thuốc không chỉ mới đây mà đã xảy ra nhiều năm. Trong khi đó một số tỉnh như Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... là những địa phương trồng nhiều khoai mì cao sản (nguyên liệu để sản xuất bột ngọt) cũng thường xuyên có BN bị ngộ độc loại khoai mì. Và không chỉ khoai mì, lâu lâu BV Nhi Đồng 1 lại tiếp nhận cấp cứu trẻ bị ngộ độc củ dền, thuốc súng, thuốc tẩy nữ trang... vì không có thuốc cấp cứu từ các BV tỉnh chuyển lên.

Gần đây nhất, vào lúc 23g50 ngày 27-3, BV Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận cấp cứu BN Lê Quốc Huy (2 tuổi, Châu Phú, An Giang) bị tím tái, khó thở vì bệnh methemoglobin. Do BV Đa khoa An Giang không có thuốc Methylene blue để chích cấp cứu cho bé, nên phải chuyển BN lên tuyến trên.

BS Cam cho biết thêm hiện BV Nhi Đồng 1 đang thiếu huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp. BV đã nhiều lần liên hệ với Trung tâm chống độc Bạch Mai, Hà Nội xin nhượng lại một số liều (sản xuất để nghiên cứu) cấp cứu điều trị BN nhưng không được vì thuốc này vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, không bán ra thị trường. BS Cam bày tỏ sự lo lắng: khác với người lớn, trẻ em khi bị rắn độc cắn bao giờ cũng nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. Nếu lỡ có trẻ bị rắn chàm quạp cắn, BV cũng không biết làm sao.

Thiệt thòi cho bệnh nhân

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư Tạ Văn Bình cho biết do một số vướng mắc về thủ tục, khó khăn nhất hiện nay với BV này là các thuốc đặc hiệu cho cấp cứu và làm xét nghiệm. "Đây là những thuốc không phổ biến, ít người dùng nên các doanh nghiệp không nhập khẩu. Ví dụ như thuốc cấp cứu hạ đường huyết, hormon, thuốc để thực hiện một số test xét nghiệm. Còn thuốc "xách tay" lại chưa rõ về chất lượng như thế nào... Do vậy chúng tôi buộc phải dùng các biện pháp khác để thay thế - ví dụ như cấp cứu hạ đường huyết dùng biện pháp truyền đường. Tuy nhiên các trường hợp nặng thì thiệt cho bệnh nhân" - ông Bình nói với Tuổi Trẻ.

Trong khi đó, theo thông tin từ bệnh nhân, rất nhiều thuốc điều trị ung thư hiện nay vẫn phải mua hàng "xách tay" do thuốc nhập khẩu chính ngạch đôi khi hết hàng.

Sở Y tế TP.HCM đã từng giao cho Công ty Yteco liên hệ với một tổ chức ở Thái Lan để mua huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp về phục vụ BN, nhưng không biết vì sao mấy năm nay không thấy nhập về.

Sẵn sàng cung ứng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, dược sĩ Trịnh Đào Cung - phó giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Yteco, TP.HCM - cho biết công ty được Sở Y tế TP giao nhiệm vụ nhập khẩu và cung ứng các loại thuốc quí, hiếm cho các BV ở TP.HCM. Ngoài ra, công ty cũng có trách nhiệm cung ứng các loại thuốc quí, hiếm cho các BV tỉnh khi có yêu cầu và lập dự trù gửi đến công ty. Đúng ra để có đủ các thuốc quí, hiếm phục vụ BN cho năm sau thì từ cuối năm trước các BV đã phải lập dự trù gửi đến Sở Y tế và Công ty Yteco để công ty tiến hành làm các thủ tục nhập khẩu theo qui định. Cho đến nay gần như 100% các BV tư nhân ở TP đã gửi danh mục dự trù mua thuốc quí, hiếm cho năm 2008 về Yteco. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều BV công chưa lập dự trù danh mục thuốc quí, hiếm gửi về công ty.

Về hai loại thuốc cấp cứu Methylene blue và Sodium thiosulfat, theo dược sĩ Cung, đây thật ra chỉ là thuốc cấp cứu rẻ tiền (Sodium thiosulfat 10mg/ml chỉ có giá hơn 1.000đ/ống). Tuy nhiên, do số lượng sử dụng ít nên không có ai nhập khẩu và trong nước cũng không có đơn vị sản xuất nên hiếm. Ông Cung khẳng định năm 2007 hầu như không có BV nào - cả công và tư - của TP.HCM dự trù mua hai loại thuốc này. Đặc biệt, trong danh sách dự trù thuốc quí, hiếm của các BV tỉnh gửi lên Yteco - trong đó có những BV tỉnh phải chuyển BN lên BV Nhi Đồng 1 - cũng hoàn toàn không dự trù hai loại thuốc cấp cứu này. Còn năm 2008 mới có hai BV của TP.HCM lập dự trù mua.

Dược sĩ Cung khẳng định với nhiệm vụ được giao phụ trách nhập khẩu mảng thuốc quí hiếm, thuốc độc... cho các BV, Yteco không từ chối và sẵn sàng tìm nguồn hàng về cung ứng cho các BV theo đơn hàng dự trù thuốc của BV.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên