Cơ thể trẻ như búp non trên cành. Các bộ phận tai, cổ, ngực, bụng, chân, tay… đều là những bộ phận dễ tổn thương của trẻ, nếu phụ huynh không cẩn thận có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con sau này.
Gần đây, nhiều trang tin tức nổi tiếng Trung Quốc như Sohu, QQ đồng loạt đưa tin về trường hợp một cậu bé Trung Quốc phải nhập viện do thủng màng nhĩ.
Được biết, cậu bé trong câu chuyện này tên là Chen Chen, học sinh lớp 4 (sống tại Thâm Quyến, Trung Quốc). Vì có nhiều bài tập khó, cậu bé Chen Chen đã nhờ bố mình giảng bài cho sau khi bố đi làm tăng ca về. Đang mệt mỏi, cộng thêm bất lực vì giảng 30 phút mà con vẫn chưa hiểu bài, người bố đã giơ tay tát mạnh vào bên tai trái khiến cậu bé lảo đảo, lập tức mất thính lực một bên.
Vì sợ bố mắng, Chen Chen im lặng không dám nói gì. Sáng hôm sau, cậu bé mới thủ thỉ kể cho mẹ về tình trạng của mình. Chen Chen nhanh chóng được gia đình đưa đến khám tại khoa Tai - Mũi - Họng của bệnh viện Nhi Thâm Quyến. Kết quả nội soi cho thấy: Chấn thương thủng màng nhĩ tai trái kèm theo giảm thính lực nhẹ.
Bác sĩ nói rằng tình trạng của Chen Chen nên được theo dõi trong một tháng, nếu vết thủng màng nhĩ vẫn chưa lành thì sẽ cân nhắc phẫu thuật. May mắn thay, sau 1 tháng theo dõi và điều trị, tai cậu bé Chen Chen đã phần nào ổn định. Tuy nhiên đây là bài học cho tất cả những bậc phụ huynh đang nuôi con nhỏ.
Ngoài tai, những bộ phận này của trẻ cũng dễ bị tổn thương
Trẻ em là độ tuổi chưa thể hoàn thiện về cơ thể, vì vậy thông qua việc té ngã, đánh nhau, giằng co hay là do bị bố mẹ phạt roi, bé có thể đối diện với nhiều tổn thương, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể của bé.
Từng trả lời về vấn đề này, bác sĩ Trương Anh Mậu (khoa ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM) cho hay: Khi bị tổn thương (tùy theo mức độ) sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể của bé. Cụ thể là:
- Trẻ bị tát quá mạnh vào tai sẽ gây tổn thương mô mềm dưới da, với biểu hiện là bầm tím, sưng nề. Điều nguy hiểm là trẻ có thể bị chấn động tai giữa làm ảnh hưởng đến màng nhĩ.
- Trường hợp trẻ bị bóp cổ, nhẹ chỉ gây cảm giác sợ cho bé nhưng nếu nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sụn thanh quản, cản trở quá trình hô hấp, ảnh hưởng đến việc đưa oxy lên não. Nguy hiểm hơn, nếu bị bóp cổ mạnh quá 3 phút, dù cấp cứu kịp thời thì trẻ vẫn bị di chứng bại não.
- Nếu vùng ngực của trẻ bị ngoại lực mạnh tác động có thể làm trẻ bị rạn xương sườn, chấn thương phổi.
- Trong trường hợp bé bị tác động vào bụng thì có thể gây tổn thương ruột hoặc lá lách, gan. Các tổn thương này nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời thì bé có thể đối diện với tử vong.
- Với phần chân và tay, nếu bị tác động mạnh, các bé rất dễ bị gãy sụn tiếp hợp hoặc gãy xương. Các tổn thương này có thể khiến cho tay chân trẻ cong vẹo hoặc phát triển không bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận