Bậc thuế lũy tiến từng phần có 7 bậc với mức thuế suất cao nhất lên tới 35%, gây áp lực cho người nộp thuế (ảnh người nộp thuế đang làm thủ tục tại Chi cục Thuế Hà Nội) - Ảnh: M.NHẬT
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi 6 luật thuế nói trên.
Trong công văn, Bộ Tài chính nêu rõ căn cứ kế hoạch số 81 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện kết luận số 19 của Bộ Chính trị và đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tại quyết định số 2114 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát các luật thuế, báo cáo Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo trên của Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng đề cương báo cáo nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi 6 luật thuế gồm Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế bảo vệ môi trường, Luật thuế xuất khẩu - thuế nhập khẩu, Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật thuế tài nguyên.
Đối với Luật thuế thu nhập cá nhân, theo Bộ Tài chính, nội dung rà soát, đánh giá góp ý sửa đổi gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh,...
Liên quan quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, suốt 2 năm qua, Tuổi Trẻ Online liên tiếp có nhiều bài viết lấy ý kiến người nộp thuế và chuyên gia kinh tế nêu một số bất cập của chính sách này và đề xuất hướng sửa đổi.
Theo đó, biểu thuế lũy tiến từng phần có tới 7 bậc với mức thuế cao nhất lên tới 35%, cao gần gấp đôi với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này khiến gánh nặng thuế đối với người làm công ăn lương ngày càng tăng.
Do đó, nhiều chuyên gia đề nghị cần phải giảm bậc thuế còn 3-5 bậc, đồng thời thuế suất của các bậc cũng phải được hạ nhằm giảm áp lực cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra suốt hơn 2 năm qua, tuy nhiên người nộp thuế thu nhập cá nhân không hề được hưởng chính sách hỗ trợ gì dù thu nhập của họ bị sụt giảm sâu...
Ngoài ra, đối với thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho rằng đã thực hiện từ năm 2012. Sau 10 năm thực hiện, nội dung đánh giá cần được các cơ quan, bộ ngành rà soát, nghiên cứu và nêu rõ những vướng mắc phát sinh về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, biểu khung thuế, khai thuế, tính thuế... Đặc biệt, cần đề xuất chính sách mới, sửa đổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận