TTCT - Hơn 20 năm kể từ khi nằm lặng lẽ trên căn gác xép của lâu đài Jegenstorf ở ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sĩ, di sản khoảng 300 tác phẩm, hiện vật, tài liệu, sổ sách của họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993) cuối cùng đã trở về Việt Nam. Một phần trong số đó lần đầu tiên ra mắt công chúng yêu nghệ thuật tại quê hương ông từ ngày 21-7-2023. Tất cả bắt đầu từ một chữ "Duyên" kỳ diệu và hành trình hồi hương bộ sưu tập kéo dài 5 năm của hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh (Phạm Lê Collection).Họa sĩ Trần Phúc Duyên, ảnh chụp năm 1982 "Trần Phúc Duyên sử dụng sơn điêu luyện, thanh thản như một họa sĩ, nhà thư pháp Trung Hoa sử dụng mực. Có thể nói, đưa thủy mặc vào trong sơn mài, hội họa Trần Phúc Duyên dường như đã đi thêm một bước đáng kể từ phần cốt sang phần hồn, từ thể xác sang nội tâm, từ tả thực sang tượng trưng gợi mở".(Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt) Duyên khởiHành trình đưa các tác phẩm của Trần Phúc Duyên về Việt Nam là một định mệnh - hay duyên - theo triết lý Phật giáo mà Trần Phúc Duyên đã tựa vào suốt đời mình và thực hành nghệ thuật vào những năm tháng cuối cùng.Chữ "duyên" khởi đầu từ năm 2017, khi Phạm Quốc Đạt và người bạn đời của mình là Phạm Quang Vinh, khi đó đều ở tuổi gần 40, đang sống tại Hà Lan. Đạt làm việc tại trụ sở của Heineken, phụ trách mảng chiến lược toàn cầu của công ty. Họ đã bắt đầu sưu tập từ hai năm trước đó, nhưng là các tác phẩm đơn lẻ và chưa có hệ thống. Họ có hứng thú với các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ Đông Dương và các sáng tác của các họa sĩ Pháp đến sống và làm việc tại Đông Dương những năm đầu thế kỷ 20. Họ mới đang dò dẫm tìm đường, tự nghiên cứu để định hướng cho việc sưu tập của mình.Vào đúng ngày 16-2-2017, ngày sinh của Trần Phúc Duyên, Đạt đang tra cứu về mỹ thuật Đông Dương thì tình cờ đọc được những dòng nhật ký của một khách lữ hành miêu tả về một triển lãm mà họ ghé qua khi đến Bern, cùng một vài tấm ảnh chụp những tác phẩm của triển lãm, ghi: "Mặc dù đẹp như cổ tích, Bern là một thành phố thực tế… Nó cũng không có gì là nghệ thuật cả, ít nhất là theo như tôi thấy. Dường như, tính thương mại được đề cao trong cuộc sống hiện đại còn nghệ thuật thì chỉ là một phần của quá khứ, hầu như chỉ được đưa vào viện bảo tàng và bưu thiếp. Tôi tình cờ bắt gặp một cuộc triển lãm đặc biệt tuyệt vời trong một phòng tranh nằm khuất nẻo - của một nghệ sĩ châu Á, Trần Phúc Duyên. Người nghệ sĩ này, khi qua đời đã để lại một căn gác đầy những tác phẩm chưa được khám phá. Ông sống trên gác mái của một lâu đài ở Bern trong bốn mươi năm, được bảo trợ bởi một gia đình giàu có, sáng tác với sơn và lá vàng. Những tác phẩm ban đầu của ông rất chi tiết và kỳ diệu, những tác phẩm sau này, lấy cảm hứng từ thiền định, rất đơn giản, tuyệt đẹp và đầy ánh sáng". Khi đó, Đạt và Vinh chỉ nghĩ mình có được manh mối tốt để mua tác phẩm của Trần Phúc Duyên để đưa vào bộ sưu tập của mình.Họ lần tìm được người tổ chức triển lãm và hỏi về những bức tranh nhưng các tác phẩm đã được bán hết. Chỉ tác phẩm Sương thu (122 x 244cm) có thể còn vì đang chờ người định mua xác nhận. Họ chờ đợi trong hồi hộp và đã gặp may khi những người có ý định mua mấy tác phẩm lớn nhất trong triển lãm này là Sương thu, Hòa ân (112 x 134cm) và Miền nhớ (86 x 134cm) cuối cùng đều không mua nữa. Sự may mắn đó khởi đầu cho những may mắn khác.Khi mua được ba bức tranh này chỉ bằng những hình ảnh do luật sư cung cấp, Đạt và Vinh cũng mới được biết đây chỉ là những tác phẩm nằm trong một bộ sưu tập bị lãng quên đã 20 năm. Còn có trên 120 tác phẩm sơn mài, các phác thảo và toàn bộ giấy tờ, sách vở tư trang của Trần Phúc Duyên nằm trong một nhà kho ở Thụy Sĩ.Tháng 9-2017, Đạt và Vinh hẹn gặp người thân của họa sĩ Trần Phúc Duyên đang sinh sống tại Paris. Tháng 10-2017, họ bay sang Bern để tận mắt xem các tác phẩm của ông. Sinh thời, ông không lập gia đình và không có con. Tại một triển lãm của ông, có bà Marie - Christine Thury và bà Beatrix Hanslin-Ikle đến dự, họ đều rất yêu quý các tác phẩm của ông, giúp ông tổ chức bốn cuộc triển lãm tiếp theo tại Thụy Sĩ. Gia đình bà Marie là chủ tòa lâu đài Jegenstorf, đã bảo trợ và sắp xếp cho ông chỗ ở tại lâu đài cho tới khi ông qua đời, và trở thành những người bạn thân nhất của ông. Chính mẹ của Marie Christine đã đóng và cất đi toàn bộ di sản nghệ thuật của ông. Khi ông mất năm 2003, người thân của ông có người em trai là Trần Phúc Trường và các cháu con của anh trai ông Trần Phúc Chí đều sinh sống ở Pháp. Tro cốt của ông sau đó được gia đình đưa về Pháp, nhưng không mang được tranh và tài liệu về Pháp vì không có chỗ để.Thời gian trôi đi, khi lâu đài tổng kiểm kê tài sản, họ mới phát hiện ra kho báu này và tìm lại được cháu của Trần Phúc Duyên. Trong quá trình chuyển giao tài sản và thừa kế lại cho hai người cháu của Trần Phúc Duyên, một số tác phẩm đã được bán đấu giá, trong đó có những tranh sơn mài hai tấm bị tách ra làm đôi - một nửa mang đi bán, một nửa để lại và hiện nằm trong sưu tập Phạm Lê. Lúc này bộ sưu tập đã được chuyển đến một nhà kho tốt hơn, luật sư đã thuê người quản lý bộ sưu tập này.Tác phẩm "Hòa Ân 3" (sơn mài hai tấm, 112 x 134cm) vẽ năm 1951. Ông đặt tên tiếng Pháp cho bức tranh là “Paix” (hòa bình), gửi gắm trong hình tượng hai chú chim bồ câu bay lên trên góc trái của bức tranh. Ba thiếu nữ trong tranh là hình ảnh đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam của Việt Nam lúc này đang bị chia cắt vì chiến tranh loạn lạc.Bức "Hoài cố", vẽ năm 1977, 100 x 50cm, bước chuyển mình từ hữu hình sang thủy mặc và thiền họa, tỏ bày nỗi nhớ quê tha thiết (Phạm Lê Collection)Với người nghệ sĩ nói riêng và người làm công việc sáng tạo nói chung, tư duy của họ biểu đạt trên các tác phẩm. Đạt và Vinh lần giở những bức ảnh của Trần Phúc Duyên sinh thời dáng người nho nhã, thư sinh, toàn bộ kỷ vật và tác phẩm, một số trong đó đã chịu những tác động của thời gian cần được phục chế ngay.Đạt và Vinh muốn mua lại toàn bộ các tác phẩm và tài liệu. "Chúng tôi có cơ hội lật giở từng bức tranh, từng cuốn sổ ghi chép của cụ Duyên, những tệp phác thảo từ thời kỳ cụ còn là sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 16 (1942-1945) nay đã ngả màu thời gian. Chúng tôi cảm thấy mình thật có duyên và thật may mắn khi có cơ hội tiếp cận với một khối tác phẩm đồ sộ và khá đầy đủ của một họa sĩ xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương" - Đạt kể.Người thân của họa sĩ Trần Phúc Duyên rất ngạc nhiên, không hiểu động cơ của những người xa lạ và là những nhà sưu tập mới mẻ này. Dù đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng tên tuổi của Trần Phúc Duyên hầu như đã bị lãng quên, không có gallery hay nhà môi giới nào đại diện, gia đình cũng không làm gì để duy trì và phát triển tên tuổi của ông. Họa duyên tương ngộTừ ngày 21-7 đến 6-8-2023, triển lãm hồi cố của Trần Phúc Duyên với hơn 150 tác phẩm tiêu biểu cùng nhiều hiện vật, tư liệu lần đầu tiên công bố, trên diện tích khoảng 600m2 tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San (TP Thủ Đức, TP.HCM) đem đến một phần di sản của Trần Phúc Duyên, với cuộc đời và sự nghiệp đáng kính trọng của một con người làm sáng tạo và say mê lao động.Thuộc thế hệ sau cùng của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng là họa sĩ Đông Dương sống và làm việc tại châu Âu (gồm: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Lê Thị Lựu, Phạm Thúc Chương, Võ Lăng, Trần Phúc Duyên, Phạm Tăng…), nhưng chỉ có Trần Phúc Duyên chọn sử dụng sơn mài như một chất liệu chủ đạo và xuyên suốt cho các sáng tác hội họa của mình. Ông đã dành trọn đời mình cho công cuộc nghiên cứu, thử nghiệm và sáng tạo với sơn mài và thành công trong việc đưa sơn mài đi từ mỹ nghệ tới mỹ thuật.Sau triển lãm đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1952 với 30 tác phẩm sơn mài (hai năm sau ông rời đi Pháp), đây là triển lãm có quy mô phổ quát của cố họa sĩ với hầu hết các tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với đủ loại chất liệu: sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo, giới thiệu các tác phẩm theo từng cụm chủ đề lớn, đi từ phức hình đến tối giản: đời sống, phong cảnh, tĩnh vật và tiểu cảnh, thủy mặc và thiền họa, trừu tượng và phúc niệm. Dù có danh sách các họa sĩ đã tốt nghiệp hoặc học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Đạt và Vinh chưa biết gì nhiều về Trần Phúc Duyên. Theo tìm hiểu của Đạt, ở Việt Nam, kể từ khi ông rời quê hương (1954), gần như không ai biết về họa sĩ này, cũng không có tài liệu nào viết về ông, ngoại trừ một bài báo đăng trên tạp chí Mỹ Thuật năm 1989 của nhà nghiên cứu Nguyễn Quân.Tại Việt Nam, có một số ít nhà sưu tập Việt Nam sở hữu các tác phẩm của Trần Phúc Duyên, như nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang, chủ của Bảo tàng nghệ thuật Quang San, hay một số nhà sưu tập kín tiếng khác. Về cơ bản, không nói quá lời khi nói rằng ông đã bị lãng quên ở Việt Nam, cho tới khi có những nhà sưu tập Việt Nam, cũng sống xa đất nước, thấy xúc động trước những tình cảm nhung nhớ quê hương gửi trong những tác phẩm, cảm thấy kết nối ngay lập tức.Bức "Sơn Khê", 32 x 30cm (thuộc sưu tập tư nhân PariChuyến đi đến Bern đã củng cố quyết tâm mua lại bộ sưu tập này của họ, "trước hết vì chúng tôi rất yêu tranh của cụ - Đạt cho biết - Hơn nữa chúng tôi biết rằng đây là một kho di sản quý cần được bảo toàn. Nếu chúng tôi không mua toàn bộ, kho báu ấy sẽ được tách nhỏ từng phần đem đi bán đấu giá hoặc thông qua mấy phòng tranh ở Thụy Sĩ và sẽ bị tẩu tán đi khắp nơi. Giá trị của bộ sưu tập này nằm ở tính toàn bộ và đầy đủ của nó nằm ở những ghi chép, những nghiên cứu sáng tác trên số sách, báo chí và trên cả những mẩu giấy vụn mà cụ Duyên đã dày công lưu trữ". Các tư liệu cho thấy công việc chuẩn bị và quá trình sáng tạo của Trần Phúc Duyên thông qua những nghiên cứu, phác thảo của ông. Có những tác phẩm ông làm trên 10 phác thảo khác nhau, để rồi cuối cùng chọn được một bố cục hoàn hảo của tác phẩm hoàn thiện. Họ chia sẻ mong muốn của gia đình ông về việc gìn giữ di sản của họa sĩ, không để các tác phẩm này bị chia nhỏ, xé lẻ như trước.Thương thảo và lời hứaThời gian thương thảo để sở hữu tất cả bộ sưu tập với gia đình kéo dài gần một năm. Đạt và Vinh cũng lên kế hoạch kỹ lưỡng về triển lãm và hồi hương các tác phẩm để giới thiệu Trần Phúc Duyên tới công chúng Việt Nam, "để đưa linh hồn ông về với đất mẹ sau bao năm xa cách". Cùng với đề xuất mua toàn bộ kho di sản này, họ gửi đến gia đình kế hoạch chi tiết cho 5 năm tới, bao gồm kế hoạch nghiên cứu, gặp gỡ phỏng vấn bạn bè cũ của họa sĩ Trần Phúc Duyên để lấy tư liệu, kế hoạch phục chế bảo quản và cuối cùng là triển lãm hồi cố tại Việt Nam năm 2023 nhân dịp 100 năm ngày sinh của họa sĩ.Đạt kể gia đình của họa sĩ Trần Phúc Duyên "đã hiểu mục tiêu của chúng tôi, biết rằng chúng tôi không mua để trao đổi bán chác lấy lời, nên cuối cùng đã đồng ý trao lại cho chúng tôi toàn bộ bộ sưu tập". Họ cũng được bà Trần Tường Vân, người cháu gái mà họa sĩ rất yêu quý khi sinh thời, giao cho thêm toàn bộ tư liệu mà cá nhân bà giữ về Trần Phúc Duyên - thư từ gia đình, ảnh gia đình để làm tư liệu cho nghiên cứu sau này. "Là những người con xa quê, chúng tôi đã thật sự xúc động khi lần đầu đứng trước những sáng tác đậm tình quê hương của ông. Ngắm nhìn những bức tranh đang còn vương bụi thời gian, dần mở lại những ký họa được lưu trữ, lần giở những cuốn sổ tay của ông, chúng tôi thầm hứa sẽ đưa ông trở về với quê hương trong một ngày thật gần. Chúng tôi tin rằng những người yêu nghệ thuật và cái đẹp ở Việt Nam sẽ chào đón ông, để tâm hồn ông sau bao năm xa quê lưu lạc sẽ được bay lượn trên những cánh đồng lúa trĩu bông vùng Hà Tây xứ Đoài, ngắm nhìn vịnh Hạ Long nơi ông và các bạn đồng lứa năm xưa cùng nhau đi thực tế lấy mẫu sáng tác, đắm mình dưới những đêm trăng tĩnh mịch, và hơn tất cả, để ông trở về với đất mẹ yêu thương", Đạt cho biết. Đạt và Vinh là hai nhà sưu tầm và nghiên cứu độc lập về mỹ thuật Việt Nam, từng viết một số tiểu luận và phê bình đăng trên tạp chí Mỹ Thuật và các nhà đấu giá quốc tế. Bộ sưu tập của họ tập trung vào sự giao thoa văn hóa Đông Tây trong mỹ thuật Việt Nam những thập niên đầu của thế kỷ 20.Lê Quang Vinh và Phạm Quốc Đạt.Ngoài bộ sưu tập Trần Phúc Duyên và các họa sĩ Việt Nam xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, Phạm Lê Collection còn bao gồm nhiều tác phẩm của các họa sĩ Pháp sống, làm việc và du hành qua Đông Dương từ cuối thế kỷ thứ 19 đến giữa thế kỷ 20, đặc biệt là những người thầy Pháp của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Victor Tardieu, Josheph Inguimberty, Evariste Jonchere và Alix Ayme. Họ lập kế hoạch giới thiệu dần bộ sưu tập của mình với công chúng Việt Nam. Họ đưa toàn bộ bộ sưu tập và tư liệu về Hà Lan, nơi họ đang sống và làm việc, rồi gửi một số tác phẩm tới một số chuyên gia tại Hà Lan và Pháp để nghiên cứu. Những tác phẩm nào cần được chăm sóc ngay đã được làm tại châu Âu. Họ cũng dần mang các tác phẩm về lại Việt Nam, nơi họ biết sẽ là nơi đặt bộ sưu tập lâu dài.Họ làm việc với chuyên gia phục chế tranh Nguyễn Hiền để chị lên kế hoạch bảo quản toàn diện hơn 100 tác phẩm sơn mài, một số còn tốt, một số bị hư hại cần phải bảo vệ, thậm chí can thiệp sâu hơn. Hiền đã dành vài tháng nghiên cứu về chất liệu của những tranh cần gia cố. Quá trình nghiên cứu đã cho thấy họa sĩ dùng cả những chất liệu phương Đông và phương Tây, nên trước khi bảo dưỡng, chị phải nghiên cứu và soi tranh để kiểm tra chất liệu cụ thể. Ví dụ, nguyên liệu vàng chỉ có thể mua tại Ý và Pháp, màu đỏ phải mua từ Pháp về để khôi phục đúng nhất tinh thần tranh của họa sĩ. Đối với khung tranh, để giữ tốt nhất tinh thần tranh, họ giữ nguyên khung tranh họa sĩ làm ở châu Âu. Nguyễn Hiền cũng giúp làm khung và tái tạo màu sắc khung nguyên bản cho những tranh bị mất khung.Với chất liệu giấy, nhất là những phác thảo củacó chất liệu không tốt, có acid và phải xử lý, họ làm việc với một chuyên gia tu nghiệp tại Đài Loan giúp xử lý acid, vá lại các phần rách, bồi tác phẩm trên giấy Đài Loan và giấy Nhật và làm lại bo không có acid để tạo nên một hệ thống bảo quản tốt nhất cho tranh giấy.Bức "Vũ điệu kim ngư" (Phạm Lê Collection) "Trần Phúc Duyên sử dụng sơn điêu luyện, thanh thản như một họa sĩ, nhà thư pháp Trung Hoa sử dụng mực. Có thể nói, đưa thủy mặc vào trong sơn mài, hội họa Trần Phúc Duyên dường như đã đi thêm một bước đáng kể từ phần cốt sang phần hồn, từ thể xác sang nội tâm, từ tả thực sang tượng trưng gợi mở".(Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt) Khi rời Việt Nam năm 1954, có lẽ họa sĩ Trần Phúc Duyên cũng không thể hình dung mình sẽ không một lần trở lại quê hương cho đến khi ông qua đời. Theo những dữ liệu tìm thấy, ông rời Việt Nam với mong muốn học hỏi để nâng tầm hội họa sơn mài của Việt Nam lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây. Sự nghiệp, cách thực hành, sự kiên định, cam kết, những nghiên cứu, sự tò mò khám phá và cải tiến cho thấy ông đã làm được điều đó. Để đúng 20 năm sau ông qua đời, những người yêu nghệ thuật tại Việt Nam lần đầu tiên được chiêm ngưỡng các tác phẩm của một bậc thầy với kiến thức, kỹ thuật giao thoa Đông - Tây, với tình yêu quê hương nhuần nhụy và một tinh thần thấm đẫm chất Á Đông."Duyên" lần này, lần giở lại, có lẽ xuất phát từ một tài năng và thái độ nghiêm cẩn với nghề của Trần Phúc Duyên. ■Bức “Phong cảnh Sài Sơn” - chủ đề quen thuộc nhưng bảng màu đã hoàn toàn khác. Tags: Tranh sơn mài CỦA TRẦN PHÚC DUYÊNHọa sĩ Trần Phúc DuyênTranh sơn màiMỹ thuật Đông DươngTrần Phúc Duyên
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.