02/07/2006 00:05 GMT+7

Bộ sưu tập đá cổ của một người đào vàng

BÌNH GIANH
BÌNH GIANH

TT - Giờ thì Văn Đình Thành không còn nhớ bước chân mình đã đến bao nhiêu làng bản, vượt bao nhiêu con suối ở Tây nguyên trong suốt 16 năm ròng rã để tìm những viên đá cổ.

1YVMmYhI.jpgPhóng to
Anh Thành bên những bảng trưng bày hiện vật đá cổ của mình

Ăn đá cổ, ngủ đá cổ

Nghe danh đã lâu, nhưng bây giờ tôi mới mục sở thị “kho tàng” đá cổ của Văn Đình Thành (ở 60 Hoàng Văn Thụ, thị xã Kontum). Bên ly trà, tay mân mê những hiện vật đá cổ Sa Thầy, Thành đưa tôi về với cuộc hành trình chơi đá đầy thú vị nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt.

Những năm đầu của thập kỷ 1990, anh cùng một số người bạn đi đãi vàng kiếm sống ở bãi đá Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kontum). Đào mãi không thấy vàng, chỉ toàn thấy đá, anh cùng những người bạn nhiều phen ngán ngẩm. Suốt ngày hì hục đào vàng bở hơi tai, nhưng trong lúc nghỉ ngơi anh vẫn cầm đá vân vê, nhìn ngắm cho đỡ mệt.

Rồi có ý định cầm vài cái về cho con chơi, làm kỷ niệm một thời đào vàng khắc khổ. Đêm buồn, lấy đá ra... ngắm nghía, càng nhìn càng thấy lạ mắt, với nhiều hình thù thú vị, họa tiết tinh xảo... Biết chắc là có bàn tay chế tác của người xưa.

Nhiều đêm như thế, Thành nghĩ “sưu tập cho vui - tại sao không?”. Càng đào, càng không thấy vàng, nhưng toàn thấy những viên đá đẹp xuất hiện. Và Thành mê đá lúc nào không hay. “Trưa quên nghỉ, đêm quên tối, tôi đào như có một ma lực thôi thúc”- anh trầm ngâm. Mỗi lần về, cả nhà dường như không nhận ra anh vì “tôi đã trở thành Thành “đen” vì nắng cháy”.

Hai năm đầu, vừa đãi vàng anh vừa đào đá cổ, cùng với “nguồn đá” bạn bè cho... anh đã có trong tay 1.000 hiện vật quí. Với số lượng ấy là đã quá vui rồi, nhưng chẳng lẽ dừng khi niềm đam mê đá cổ trong người đang rực cháy. Vậy là Thành “phóng lao thì phải theo lao”...

Được bao nhiêu tiền, vàng tích cóp được từ những năm đào vàng, cộng với sự hỗ trợ của gia đình, anh nướng vào hết cho các hiện vật quí này. Và Thành đã có được một con số đá cổ không thể ngờ: 4.500 hiện vật.

Nhà nghiên cứu... đá

Ngoài thời gian đào bới, tìm kiếm, thu mua hiện vật, Thành lao vào tìm sách nói về thời kỳ đồ đá, về đá cổ để nghiên cứu. Dần dà Thành đã có một lượng kiến thức cơ bản về đá cổ, về thời kỳ đồ đá, đủ để hiểu những hòn đá cổ bí ẩn trong bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên, những cuốn sách cũng chưa thể dẫn dắt anh về với quá khứ hàng triệu năm mịt mù sương khói.

Rồi anh gặp được tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử trong lần ông đưa các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ vào Kontum khảo sát và khai quật khu di chỉ Lung Leng ở Sa Thầy. Thấy được niềm đam mê của Thành, những nhà khoa học hỗ trợ kiến thức cho anh.

Giờ thì Thành đã hiểu biết khá sâu về đá. Thành vừa nói chuyện với khách vừa phân loại hiện vật, hệt như một nhà khảo cổ học. “Phải am hiểu thật sâu thì mới gìn giữ được nó” - Thành nói. Thành cho hay trong kho báu của mình có đủ loại đá: công cụ đá để sản xuất nông nghiệp như cuốc đá, cào đá, rìu đá, dao đá, dụng cụ khoan lỗ để tỉa hạt; công cụ nghiền thực phẩm như hòn nghiền (chày), bàn nghiền; khuôn đá để sản xuất công cụ như khuôn đúc đá, khuôn đúc đồng (thời kỳ giao thoa giữa thời kỳ đồ đá và đồ đồng)...

“Chế độ bảo quản phải thật nghiêm ngặt, nếu không cẩn thận sẽ bị vụn vỡ vì nhiều cái đá bị phong hóa - anh nói một cách rất am tường - Càng nhiều hiện vật, càng nghiên cứu sâu thì mới ngộ ra: người xưa cực kỳ khéo léo, đời sống của họ thật phong phú, đa dạng. Họ biết làm đẹp bằng đồ đá, tạo dựng tâm linh từ đá...”.

Bảo tàng tư nhân về đá cổ Sa Thầy

Đó là ước mơ mà Thành đang thực hiện. Thành nói cuộc tìm kiếm đá cổ khó khăn nhọc nhằn như thế, nhưng vẫn chưa kỳ công bằng việc tổ chức trưng bày để người xem thấy được “giá trị đời sống của ông bà xưa”.

Để trưng bày khoảng 350 hiện vật phải mất ba tháng trời cùng với một vài người phụ giúp. Hiện Thành chỉ mới trưng bày chưa được một phần ba số hiện vật đang có. Rất nhiều hiện vật đá cổ được anh bảo quản cẩn trọng trong tủ vẫn đang chờ ngày được trưng bày.

Thành cho hay: “Tôi đang nghiên cứu để làm một bảo tàng tư nhân tại gia để cho bạn bốn phương tới cùng chiêm ngưỡng cho vui, đồng thời để họ thấy được đời sống - văn hóa của người xưa qua hiện vật đồ đá". Anh nói: “Nhờ đá cổ Sa Thầy mà tôi mới có nhiều bầu bạn như ngày hôm nay, đó là điều khích lệ lớn lao khiến tôi càng thấy thú vị với niềm đam mê đá cổ của mình”.

Không ít khách Tây biết tiếng, đến xem và muốn trả giá cao để được làm chủ nhân của một số hiện vật, nhưng anh nói “không” vì đó là cả cuộc đời của anh, của bao người thân yêu. Và quan trọng nhất, “nếu bán đi thì con cháu của Việt Nam thế hệ sau làm sao biết đến hiện vật đá cổ Sa Thầy là gì?” - Thành kết thúc câu chuyện khi Kontum đã về chiều. Nhưng, ánh bình minh của thuở hồng hoang vẫn đang sáng lên từ những viên đá cổ của anh.

BÌNH GIANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên