19/12/2012 07:47 GMT+7

Bổ sung PGS, GS vào chức danh giảng viên

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Đây là điểm mới được nêu ra tại dự thảo lần 2 nghị định “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục ĐH” của Chính phủ được công bố để lấy ý kiến rộng rãi ngày 18-12.

LvNV6bp0.jpgPhóng to
TS Trần Lê Bảo Hà hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tại phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Trần Huỳnh

Theo dự thảo, quy định chức danh giảng viên được bổ sung phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS) để thành năm loại chức danh giảng viên gồm: trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, PGS, GS. Việc xây dựng bảng lương mới được đề nghị phân theo năm chức danh này.

Kéo dài thời gian làm việc của tiến sĩ

Dự thảo cũng bổ sung đối tượng giảng viên có trình độ tiến sĩ vào diện được xét kéo dài thời gian làm việc, thay cho quy định trước đây của Chính phủ chỉ đề cập chính thức việc xét kéo dài thời gian làm việc đối với GS, PGS. Việc kéo dài thời gian làm việc được thực hiện khi cơ sở giáo dục ĐH có nhu cầu và giảng viên tự nguyện. Giảng viên có thời gian làm việc kéo dài thuộc biên chế cơ hữu của trường ĐH.

Theo đó, trong thời gian làm việc kéo dài, giảng viên được hưởng lương và các chế độ theo ngạch, bậc lương đang hưởng, được xét tăng lương theo quy định và chế độ đã hưởng trước khi thực hiện kéo dài thời gian làm việc.

Hệ thống chức danh và tiêu chuẩn chức danh giảng viên được làm căn cứ để xếp hạng chức danh nghề nghiệp và thực hiện chế độ chính sách đối với giảng viên trong các cơ sở giáo dục ĐH công lập.

Nhà nước sẽ có chính sách ưu tiên với giảng viên có chức danh GS, PGS. Giảng viên được bổ nhiệm chức danh PGS được xếp hạng 1 chức danh nghề nghiệp, giảng viên được bổ nhiệm chức danh GS được hạng chuyên gia cao cấp.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, trong hệ thống giáo dục hiện nay dù chưa có thống kê nhưng rất hiếm người được là chuyên gia cao cấp. Việc xếp hạng GS là chuyên gia cao cấp là một sự xếp hạng đặc biệt cho chức danh này.

Trước đây, nhiều chuyên gia lo ngại các cơ sở giáo dục tự nhận phi lợi nhuận để hưởng các chính sách ưu tiên có thể chỉ đưa lý do người góp vốn không nhận cổ tức, nhưng thực tế nhận lương rất cao là không công bằng và lách luật, dự thảo lần này quy định rõ: Cơ sở giáo dục tư thục chỉ được công nhận hoạt động phi lợi nhuận khi các chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức (nếu nhận thì tỉ lệ không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ quy định).

Ngoài ra tiền lương, tiền công, tiền thưởng trả cho cán bộ quản lý, thành viên hội đồng quản trị, giáo viên... không cao hơn vị trí tương đương ở các trường công lập. Trường hợp trả cao hơn thì tỉ lệ cao hơn không vượt quá tỉ lệ phụ cấp thu hút lao động đến làm việc tại các vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Các cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế, được giao đất hoặc miễn giảm tiền sử dụng đất, được cạnh tranh tiếp nhận các dự án đầu tư, nâng cao năng lực khoa học như các trường công lập...

Song nếu các đơn vị đã đăng ký hoạt động phi lợi nhuận lại không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về cơ sở phi lợi nhuận sẽ bị tước quyền thụ hưởng các chính sách, bị truy thu thuế quy định như các trường hoạt động vì lợi nhuận.

Đặc biệt, khoản 2 điều 38 Luật giáo dục ĐH quy định: “Cơ sở giáo dục ĐH in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học, công bố các thông tin liên quan về văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục ĐH”. Tuy nhiên, trong dự thảo nghị định hướng dẫn chỉ có ĐH quốc gia, ĐH vùng và các cơ sở giáo dục ĐH đạt chuẩn quốc gia mới được in phôi văn bằng trên cơ sở mẫu văn bằng giáo dục ĐH do bộ trưởng ban hành.

Trước đây, các trường ĐH khi liên kết với cơ sở bên ngoài tổ chức chương trình giáo dục thường xuyên (vừa làm vừa học, đào tạo từ xa) để cấp bằng CĐ, ĐH sẽ chỉ được liên kết với các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh nhưng với dự thảo, việc liên kết này có thể được mở rộng với các trường thuộc tổ chức chính trị (như trường chính trị cấp tỉnh), các trường thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Dự thảo xác định chương trình đào tạo trình độ CĐ sẽ được xây dựng chỉ theo hướng ứng dụng; chương trình ĐH, thạc sĩ xây dựng theo hai hướng nghiên cứu và ứng dụng nghề nghiệp; chương trình đào tạo tiến sĩ xây dựng theo hướng nghiên cứu.

Dự thảo cũng quy định ngoài sinh viên sư phạm, đối tượng không phải đóng học phí sẽ được áp dụng cho sinh viên ngành năng lượng hạt nhân, văn hóa dân gian, các ngành đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh do Thủ tướng quy định.

Ngoài đối tượng học hệ cử tuyển được hưởng học bổng chính sách như hiện nay, dự thảo cũng đưa việc cấp học bổng chính sách mở rộng cho người học là người dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thi đỗ vào học hệ ĐH chính quy, hoặc sau khi học xong dự bị ĐH được xét tuyển vào ĐH chính quy.

Tuổi Trẻ kính mời các chuyên gia, nhà giáo góp ý cho dự thảo nghị định này. Thư từ, bài vở gửi về: [email protected] hoặc Ban giáo dục - khoa học, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên