Theo quy định mới, doanh nghiệp thực phẩm phải sử dụng muối iôt trong quá trình sản xuất và chế biến. Trong ảnh: sơ chế cá tại một doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thủy hải sản tại TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Theo Nghị định 09/2016 của Chính phủ, muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iôt. Sau khi ban hành, nghị định đã vấp phải phản ứng khiến Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phải chủ trì họp.
Bị phản ứng nhiều
Nhưng sau đó, Bộ Y tế vẫn ban hành hướng dẫn: từ 15-3-2017, các doanh nghiệp sử dụng muối trong chế biến thực phẩm (để tiêu dùng trong nước) đều phải sử dụng muối có tăng cường iôt.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã “phản pháo” văn bản trên chưa đúng với tinh thần cuộc đối thoại mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hôm 13-3.
Theo đó, không yêu cầu phải sử dụng muối chứa iôt tại các nhà máy chế biến thực phẩm cũng như không yêu cầu kiểm soát hàm lượng iôt trong thành phẩm thực phẩm.
Tuy nhiên, vừa qua Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp có sử dụng muối trong chế biến đều phải sử dụng muối có tăng cường iôt.
Doanh nghiệp Sản xuất “rối”
Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam, cho biết đã phải quen với quy định phải sử dụng muối iôt nhưng vấn đề là ở công ty ông, dây chuyền sản xuất sản phẩm trong nước cũng là dây chuyền phục vụ xuất khẩu.
“Công nhân rất dễ bị nhầm lẫn. Nếu hàng xuất khẩu dùng muối iôt, chúng tôi phải dán nhãn ghi rõ, sẽ mất thêm chi phí” - ông Kajiwara Junichi nói.
Theo đại diện Acecook Việt Nam, hàm lượng bổ sung muối iôt theo yêu cầu của Bộ Y tế rất ít nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất.
Doanh nghiệp phải tổ chức mua nguồn muối từ hai nơi, nhà kho cũng chia ra hai khu vực. Quy trình sản xuất cũng phải thay đổi do các nước mà doanh nghiệp xuất khẩu không yêu cầu sử dụng muối iôt.
Chi phí sản xuất tăng trong khi không ai kiểm soát được liệu sau chế biến có đảm bảo iôt hay không. “Liệu có cách nào khác để thực hiện quy định mà vẫn đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng?” - ông Kajiwara Junichi đặt câu hỏi.
Giám đốc kinh doanh một công ty chế biến thủy hải sản cũng cho biết gặp khó khăn vì “ở nước ngoài, muốn bổ sung chất gì đều phải khai báo, đăng ký. Doanh nghiệp làm theo đơn hàng, không thể tùy tiện bỏ thêm gì cũng được”.
Hàng loạt ngành hàng khác cũng đang lúng túng khi phải chuyển sang dùng muối iôt cho chế biến.
Đại diện Công ty Vissan cho biết để tuân thủ quy định, giá thành sản phẩm phải tăng lên vì muối iôt có giá nhỉnh hơn, công ty cũng phải bổ sung đăng ký lại nhãn hàng hóa.
Có nên bắt buộc đại trà?
Một số hiệp hội đã đề xuất quy định sử dụng muối iôt chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp chế biến muối, sản xuất gia vị.
Trưởng phòng quản lý chất lượng công ty V cho biết quy định phải dùng muối iôt thực sự không cần thiết vì có nhiều thực phẩm có sẵn iôt trong nguyên liệu tự nhiên, đặc biệt là thủy hải sản, phô mai, trứng gà... Quy định phải dùng muối iôt vô tình sẽ tạo hàm lượng iôt cao trong thành phẩm.
“Chưa kể bản thân người tiêu dùng không phải ai cũng có nhu cầu sử dụng muối iôt” - ông này nói thêm.
Trong khi đó, theo bà Trần Thị Thanh Hóa, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, nếu thừa iốt, hậu quả hay gặp là cường giáp.
Dù chưa ghi nhận cường giáp liên quan đến muối bổ sung iôt nhưng bà Hóa khẳng định cái gì thừa cũng không tốt, nhu cầu iôt ở từng nhóm đối tượng là khác nhau…
Theo chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, quy định bắt buộc doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải sử dụng muối iôt là gây khó khăn, xáo trộn hoạt động sản xuất.
Theo ông Thành, nên khuyến khích doanh nghiệp có sản phẩm bổ sung muối iôt, cần có một quy định mang tính lựa chọn hơn là bắt buộc, khi nhu cầu dùng muối iôt của người dân là khác nhau.
Đại diện Acecook Việt Nam cũng cho rằng quy định sử dụng muối iôt trong chế biến nên khoanh vùng lại đối tượng áp dụng, không nên áp dụng chung chung như hiện nay mà không suy xét những ảnh hưởng của nó đến chất lượng sản phẩm, tăng chi phí không cần thiết.
Bộ Y tế nên xem lại Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, lý do khiến Bộ Y tế giao Vụ Pháp chế soạn thảo quy định theo hướng tất cả sản phẩm ăn trực tiếp có sử dụng muối đều phải dùng muối tăng cường iôt (sắt và kẽm có yêu cầu riêng) là vì một số rối loạn do thiếu iôt đã quay trở lại và bổ sung iôt vào thực phẩm là cách làm rẻ tiền hơn cả. Tuy nhiên, theo một chuyên gia về thực phẩm, có điểm rắc rối là sản phẩm có bổ sung iôt có hương vị hơi khác, nhưng Bộ Y tế cho rằng lượng iôt bổ sung rất nhỏ nên sẽ không thay đổi mùi và màu, chi phí cũng không tăng nhiều. Trước các vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải, vị chuyên gia thực phẩm cho rằng Bộ Y tế nên xem xét thật kỹ hoặc khoanh vùng các nhóm hàng yêu cầu bổ sung iôt, thay vì yêu cầu toàn bộ thực phẩm ăn trực tiếp như hiện nay. |
Bộ Y tế: Nếu có khó khăn thì trao đổi... Theo đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, từ tháng 5 vừa qua sau cuộc đối thoại với doanh nghiệp, Bộ Y tế đã đề nghị doanh nghiệp nếu có khó khăn trong thực hiện quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thì báo ngay với Bộ Y tế để cùng trao đổi. “Nhưng từ tháng 5 đến nay chưa có doanh nghiệp nào đến trao đổi về việc sản phẩm bị đổi màu hay họ gặp khó khăn khi thực hiện bổ sung vi chất vào thực phẩm. Ở Philippines cũng có tình trạng tương tự Việt Nam. Khi bắt đầu thực hiện bổ sung vi chất vào thực phẩm doanh nghiệp cũng phàn nàn sản phẩm bị đổi màu, nhưng thực tế từ đó đến nay chưa có doanh nghiệp nào mang sản phẩm bị đổi màu do iôt đến cả” - đại diện Vụ Pháp chế cho hay. Vụ Pháp chế cho rằng quy định bổ sung vi chất vào thực phẩm đã dành một năm để doanh nghiệp chuẩn bị, nhưng doanh nghiệp chưa chuẩn bị trong một năm này mà khi quy định có hiệu lực lại... kêu. “Hãy cứ làm đi xem có khó khăn gì không, nhưng chưa làm đã băn khoăn rằng khó là không nên” - vị đại diện kể trên cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận