Những thực phẩm giàu acid folic. Ảnh: healthjade.com
Acid folic có tác dụng thế nào đối với phụ nữ có thai và thai nhi?
Acid folic (hay còn gọi là folat) tên hóa học là pretoinglutamic, là một chất dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể và được xếp vào nhóm vitamin B là nhóm vitamin tan trong nước và được gọi là vitamin B9.
Acid folic là một trong những yếu tố quan trọng cần thiết cho quá trình tạo máu. Acid folic cùng với vitamin B12 tham gia vào quá trình cấu tạo tế bào máu (hồng cầu).
Đặc biệt acid folic có vai trò trong cấu tạo và phát triển hệ thống thần kinh của thai nhi, vì vậy khi có thai bà mẹ thiếu acid folic sẽ ảnh hưởng nhiều đến đến cấu tạo, chức năng của hệ thần kinh thai nhi như gây những khuyết tật tại ống thần kinh.
Có nghiên cứu cho thấy, ở những vùng dân cư có chế độ ăn nghèo acid folic thì nguy cơ ở các bà mẹ đẻ con bị khuyết tật ống thần kinh cao gấp 10 lần so với vùng dân cư có mức acid folic bình thường.
Đồng thời khi mang thai bị thiếu folic sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều quá trình chuyển hóa gây nên hạn chế sinh trưởng, phát triển của cơ thể trẻ. Bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ ở trẻ em là do thiếu acid folic và vitamin B12, bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi với triệu trứng giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu và thiếu máu.
Ở người trưởng thành bị thiếu acid folic sẽ có thể dẫn đến bị bệnh thiếu máu hồng cầu to, bị viêm miệng, viêm lưỡi hay tiêu chảy.
Hiện nay một số nghiên cứu cho thấy acid folic còn giúp cơ thể phòng chống một số bệnh về tim mạch, ung thư…
Cách bổ sung acid folic hiệu quả
Để giúp cơ thể có đủ các chất dinh dưỡng kể cả acid folic thì cần thực hiện ăn uống hợp lý với đa dạng các loại thực phẩm và luôn thay đổi các loại thức ăn.
Khi có thai, ngoài chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bà mẹ cần được bổ sung thêm viên sắt, acid folic và vitamin C.
Phụ nữ có thai cần uống mỗi ngày một viên sắt-folic với hàm lượng 60mg sắt và 400mcg acid folictừ khi có thai đến sau khi đẻ một tháng.
Để phòng chống thiếu acid folic, các bà mẹ khi chuẩn bị có thai cần uống acid folic sớm trước khi mang thai.
Hiện nay để phòng chống thiếu máu dinh dưỡng, ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới khuyến khích phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-35 tuổi cần uống thêm viên sắt và acid folic mỗi tuần 1 viên uống trong 4 tuần liền trong 1 năm.
Liều dùng acid folic
Nhu cầu acid folic với người trưởng thành là 400-500mcg/người/ngày và khi có thai, nuôi con bú thì nhu cầu cần cao hơn như với phụ nữ có thai và cho con bú thì cần cao gấp rưỡi là 600mcg/người/ngày.
Để đảm bảo đủ lượng acid folic khi có thai ngoài ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng thì phụ nữ có thai cần được bổ sung thêm acid folic bằng đường uống là 400mcg/ngày.
Là một vitamin tan trong nước, acid folic được đào thải ra ngoài theo nước tiểu và mồ hôi nếu được đưa vào cơ thể với lượng cao. Liều an toàn của acid folic rất rộng.
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia quốc tế về các vitamin và khoáng chất năm 2002 thì giới hạn trên cho phép của acid folic là 1000mcg/ngày cho người trưởng thành.
Một số loại thức ăn giầu acid folic và một số chế phẩm chứa acid folic:
Thực phẩm chứa acid folic: Acid folic có trong nhiều loại thực phẩm nhưng ở hàm lượng thấp như các loại rau lá màu xanh đậm, trong các loại đậu đỗ, mầm lúa mì, cám lúa mì, men bia rượu, trong hoa quả như cam, chanh.
Thức ăn nguồn gốc động vật thì acid folic có nhiều trong gan (gan lợn, gà, bò…) và thịt gia cầm, sữa… Acid folic không bền vững với ánh sáng và nhiệt độ nên dễ bị mất trong quá trình bảo quản và chế biến thức ăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận