Ngày 9-8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo nhanh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đàn bò sữa giá trị cao ở 2 huyện Đức Trọng, Đơn Dương bỗng dưng suy yếu rồi chết sau khi tiêm vắc xin viêm da nổi cục.
Đến sáng ngày 9-8, tổng số bò sữa chết đã hơn 100 con của hơn 40 hộ dân. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, qua kiểm tra lâm sàng, đàn bò chết bị mắc bệnh tiêu chảy. Nguyên nhân có thể do thời tiết mưa nhiều trong suốt tháng 7 khiến môi trường ẩm ướt. Việc bò suy yếu rồi chết sau khi tiêm vắc xin có thể nhận định: sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục thì sức đề kháng của bò suy yếu nhất thời. Điều này tạo điều kiện cho vi sinh vật tấn công mạnh hơn, gây gây rối loạn đường tiêu hóa.
Hiện còn khoảng 3.670 con bê, bò sữa của 163 hộ dân thuộc 5 xã đang bị bệnh tiêu chảy.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục Thú y xác định nguyên nhân, hướng dẫn giải pháp phòng chống bệnh cho người dân.
Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng xác định đã có dịch tiêu chảy đối với bò. Do đó yêu cầu triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa, không để tiếp tục lây lan diện rộng.
Trong lúc chưa có kết luận của cơ quan chức năng, các địa phương tạm dừng việc tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh.
Không để xảy ra tình trạng bán chạy, vận chuyển bò sữa bị bệnh hoặc giết mổ bò bệnh
Ngày 9-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tỉnh.
Bộ này cho biết sau khi nhận được thông tin đã tổ chức họp các đơn vị chuyên môn của Cục Thú y, đồng thời trao đổi trực tiếp với tỉnh Lâm Đồng và chỉ đạo lãnh đạo Công ty Navetco cung cấp đầy đủ hóa chất, thuốc và các loại vitamin để thực hiện các biện pháp khắc phục.
Trong ngày 7-8, đoàn công tác của Cục Thú y đến tỉnh Lâm Đồng để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều tra xác định nguyên nhân.
Đoàn công tác của Cục Thú y đã đến các hộ có bò bệnh, chết để tổ chức lấy mẫu điều tra, xác định nguyên nhân.
Trong đêm 8-8 và ngày 9-8, các phòng thí nghiệm của Cục Thú y sẽ xét nghiệm, xác định các tác nhân có khả năng gây bệnh tiêu chảy trên bò. Dự kiến trong 1-2 ngày tới sẽ có kết quả bước đầu.
Đồng thời đã thu giữ toàn bộ vỏ lọ vắc xin viêm da nổi cục đã dùng hết, các lọ vắc xin chưa dùng hết và các lọ vắc xin chưa sử dụng để lấy mẫu phân tích, xét nghiệm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tạm dừng sử dụng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục và các vắc xin phòng các dịch bệnh khác trên phạm vi toàn tỉnh để điều tra, xác định nguyên nhân đàn bò sữa bị tiêu chảy, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tăng cường kiểm dịch giết mổ, không để xảy ra tình trạng bán chạy, vận chuyển gia súc bị bệnh hoặc giết mổ gia súc bị bệnh ở nơi có dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn xã, huyện và tỉnh, nhất là với trâu bò, bò sữa có nguy cơ bị bệnh.
Tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng dịch, phun thuốc sát trùng, sử dụng vôi bột để sát trùng, vệ sinh, tiêu độc tại các cơ sở, hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh có gia súc bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy.
Đề nghị UBND tỉnh cử lãnh đạo cùng đại diện chính quyền, cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể đến trao đổi, động viên chủ gia súc, nhất là chủ hộ có gia súc bị bệnh, bị chết yên tâm phối hợp với chính quyền và các cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp phòng, chống, điều tra xác định nguyên nhân; khẩn trương có giải pháp hỗ trợ trước mắt cho chủ gia súc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cũng đã chỉ đạo Công ty cổ phần thuốc thú y trung ương Navetco cử lãnh đạo công ty và các cán bộ kỹ thuật có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm đến các địa bàn, phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và điều tra nguyên nhân.
Hỗ trợ và vận chuyển ngay các loại thuốc kháng sinh, vitamin, chất điện giải và hóa chất đến tỉnh Lâm Đồng để triển khai phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời phối hợp với địa phương để triển khai các biện pháp hỗ trợ các hộ có bò bị bệnh, chết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận