09/10/2019 13:36 GMT+7

Bờ sông các địa phương hiện nay ra sao?

D.N.HÀ - LÊ DÂN - M.TỰ
D.N.HÀ - LÊ DÂN - M.TỰ

TTO - Bờ sông Sài Gòn hiện thiếu không gian công cộng, trong khi tại Huế, công viên trải dài suốt hai bờ sông Hương. Tại Cần Thơ, hàng trăm nhà ven sông đã di dời để nhường chỗ cho không gian cộng đồng...

Bờ sông các địa phương hiện nay ra sao? - Ảnh 1.

Bờ kè sông Cần Thơ (bờ quận Cái Răng) có nhiều không gian chung cho cư dân đô thị - Ảnh: LÊ DÂN

Từ ngày có bờ kè tôi và hàng xóm thường ra hóng mát, tập thể dục. Trước đây làm gì có, vì ven sông dân cất nhà bít hết đâu được sạch đẹp như giờ.

Bà Nguyễn Thị Út (P.Hưng Thạnh, Q.Cái Răng, Cần Thơ)

Bờ sông Sài Gòn thiếu không gian công cộng

Trong bài tham luận cho hội thảo về quy hoạch đôi bờ sông kênh rạch ở TP.HCM vừa qua, nhóm chuyên gia đến từ Viện Quy hoạch xây dựng nhận định rằng bờ sông Sài Gòn hiện đang thiếu không gian công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng.

Cần nhận thức rõ sông Sài Gòn là sản phẩm của tự nhiên, không gian ven sông là tài sản thuộc sở hữu của cộng đồng, là lợi ích công cộng nên các đồ án quy hoạch dọc sông phải luôn xác định là không gian cho sinh hoạt vui chơi, giải trí công cộng phục vụ người dân. Dọc sông Sài Gòn phải là một dải cây xanh công cộng, là không gian chung cho mọi người dân đi bộ, đi xe đạp, sinh hoạt cộng đồng thông suốt từ đầu đến cuối.

Bên sông cần bố trí các công trình như công viên, quảng trường, cầu đi bộ bắc qua sông, nhà hát sân khấu ngoài trời, thư viện, nhà triển lãm, khu vui chơi vận động... để nhiều đối tượng, nhiều thành phần được hưởng lợi ích công cộng do sông Sài Gòn mang lại.

Cụ thể cho từng đoạn, nhóm này đề xuất quy hoạch công viên bến Bạch Đằng thành công viên của cộng đồng. Dải các công trình từ bến Nhà Rồng - cột cờ Thủ Ngữ - bến Bạch Đằng tạo thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa khá tiêu biểu, nhân chứng của quá trình phát triển cảng Sài Gòn và nhiều sự kiện quan trọng của Sài Gòn - TP.HCM.

Khi cảng Khánh Hội di dời, cần định hướng quy hoạch nơi đây thành chức năng di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, triển lãm nghệ thuật, khu hoạt động ngoài trời...

Cần Thơ: nhà ven sông nhường chỗ cho không gian cộng đồng

Tại Cần Thơ, hàng trăm hộ dân cất nhà tạm bợ ven sông rạch đã phải di dời để xây dựng bờ kè sông Cần Thơ dài hơn 4,7km (bờ phía quận Cái Răng). Năm 2017 bờ kè hoàn thành đưa vào sử dụng với mục tiêu chống sạt lở, chỉnh trang đô thị và tạo không gian sinh hoạt cộng đồng cho cư dân đô thị.

Ngoài hạng mục kè, công trình bờ kè sông Cần Thơ có hạng mục sau kè với diện tích gần 48.000m2, gồm: đường đi bộ, bồn hoa, cây xanh... Nhờ vậy diện mạo đô thị phía Nam Cần Thơ trở nên cân xứng hơn với khu vực trung tâm từ khi có bờ kè này.

Bà Bùi Thị Kiều - phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Cần Thơ - cho biết bờ kè sông Cần Thơ (phía quận Ninh Kiều) đoạn 1,8km từ cầu Cái Sơn đến Hãng nước đá Mekong đã hoàn thành 80% khối lượng công trình.

Đoạn còn lại do đơn vị khác làm chủ đầu tư cũng đã bàn giao mặt bằng được 97%, hiện đang gấp rút thi công. Dự án này cũng sẽ có hạng mục công viên cây xanh phục vụ người dân sống xung quanh.

Bà Kiều cho biết bên cạnh bờ kè sông Cần Thơ đang thi công, sắp tới dự án bờ kè sông Cần Thơ ứng phó với biến đổi khí hậu dài hơn 5km cũng được khởi công. Dự án sẽ kết nối với các dự án kè trước đó, khi đó sông Cần Thơ đi ngang khu vực trung tâm TP về đêm sẽ đẹp hơn rất nhiều.

Huế: công viên trải dài suốt hai bờ sông Hương

Sông Hương đã trở thành mặt tiền của kinh đô Việt Nam từ khi nhà Nguyễn xây dựng kinh thành bên bờ con sông này. Là yếu tố minh đường trong phong thủy của kinh thành Huế, nên sông Hương được bảo vệ rất nghiêm cẩn.

Khi người Pháp xây dựng các công trình ở bờ nam sông Hương vẫn dành hẳn dải đất ven bờ sông cho cây xanh, thảm cỏ. Từ đó đến sau này, hai bờ sông Hương mặc nhiên là đất công cộng, dành cho việc làm đẹp TP và thụ hưởng chung cả cộng đồng. Trong các quy hoạch phát triển đô thị Huế, dải đất hai bờ sông vẫn dành chủ yếu cho công viên.

Một nhiệm vụ quan trọng là quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương đang được các chuyên gia Hàn Quốc thực hiện suốt 5 năm nay (từ 2014). Hai bờ sông Hương với chiều rộng 100m mỗi bờ, dài 15km, từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh được quy hoạch thành ba khu vực, trong đó quan trọng nhất là khu vực hai bờ sông ở trung tâm TP Huế.

Trọng điểm của khu vực này là dải bờ sông ở phía nam sông Hương từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền, kết nối không gian đường Lê Lợi - nơi đã xác định là trung tâm văn hóa, du lịch của Huế. Đây sẽ là không gian dành cho nhu cầu nghỉ ngơi của người dân và vui chơi của du khách.

Con đường đi bộ ven sông kết nối các công viên với nhau. Sắp tới, các cơ quan, công sở đã xây dựng xen lẫn trong mảng xanh ven bờ này sẽ tháo hết hàng rào, thì toàn bộ dải đất này ven bờ sông kéo dài gần 1km sẽ trở thành một công viên lớn.

Giáo sư Ohn Yeoung Te - quản lý dự án của Hàn Quốc - cho biết điểm nhấn của quy hoạch là thiết lập các điểm mốc ven sông Hương và địa điểm tổ chức các sự kiện, lễ hội tầm vóc quốc tế; đồng thời hình thành cảnh quan ven sông hài hòa với cảnh quan tự nhiên và môi trường văn hóa lịch sử.

Sắp xếp và định hướng phát triển các công viên xanh gắn với các khu vui chơi giải trí ngoài trời, quảng trường, khu thương mại nhằm thiết lập không gian ven sông thân thiện môi trường, an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu.

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết hiện quy hoạch đang điều chỉnh vài điểm nhỏ để trình UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm nay. Bản quy hoạch chi tiết này sẽ là một công cụ hữu hiệu để quản lý và khai thác giá trị to lớn của sông Hương một cách bài bản và bền vững.

Quy Nhơn: dời 3 khách sạn khỏi bãi biển

Ngày 8-10, ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết đang đẩy nhanh việc dời 3 khách sạn Bình Dương, Hoàng Yến và Hải Âu trên bờ biển Quy Nhơn để trả lại không gian biển thoáng đãng cho người dân.

Ông Dũng cho biết sau khi tỉnh có chủ trương di dời 3 khách sạn trên, người dân rất ủng hộ và các chủ khách sạn cũng rất đồng lòng.

Ông Đào Anh Dũng (phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ):

Tạo không gian mở cho dân sinh hoạt

Từ nguồn vốn ODA, vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư 810 tỉ đồng xây dựng bờ kè sông Cần Thơ dài hơn 5km đến huyện Phong Điền nhằm chống sạt lở, chống ngập vừa kết hợp công viên cây xanh tạo nơi sinh hoạt cộng đồng.

Để công viên thật sự là nơi sinh hoạt cộng đồng, TP sẽ bố trí một số điểm mua bán với không gian mở như cà phê, hàng đặc sản để người dân TP và du khách có thể mua bán, giao lưu với nhau.

Hướng tới để đạt tiêu chí cây xanh đô thị, TP cố gắng giữ và tạo thêm công viên, cây xanh. Ngoài các dự án của TP, quận Ninh Kiều cũng đã làm công viên dọc sông Hậu. Còn công viên sông Hậu đã có trước đó TP sẽ cố gắng giữ để tạo nơi sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân.

TP.HCM giữ bờ sông cho người dân cùng hưởng TP.HCM giữ bờ sông cho người dân cùng hưởng

TTO - Làm rõ tình trạng lấn chiếm sông, kênh rạch của người dân và các dự án của doanh nghiệp. TP.HCM sẽ học tập kinh nghiệm các nước khi quy hoạch kè sông để tránh những sai lầm...

D.N.HÀ - LÊ DÂN - M.TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên