Bộ Công an kiến nghị lựa chọn phương án bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu
Theo nội dung dự thảo, có 4 chính sách cơ bản được đưa ra để đánh giá tác động.
Trong đó, vấn đề được dư luận rất quan tâm thời gian qua là việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cần 3.300 tỉ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Để thực hiện chính sách trên, Bộ Công an đưa ra 2 giải pháp:
- Thứ nhất là giữ nguyên các quy định của pháp luật hiện hành về hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.
- Thứ hai là thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.
Với phương án 1, theo Bộ Công an, sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tuy nhiên người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính. Nhà nước vẫn phải duy trì bộ máy hành chính cồng kềnh gây tốn kém ngân sách.
Nếu chọn phương án bỏ quản lý dân cư bằng hộ khẩu giấy, sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, giảm chi phí khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú.
"Hiện nay, người dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận kết hôn, Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe…, thậm chí học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh.
Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên... mà chỉ mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân để thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hiệu quả", dự thảo nêu.
Bộ Công an cho rằng nếu quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính, giấy tờ và giảm được những chi phí mà người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Theo tính toán sơ bộ, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, Bộ Công an cũng đưa ra một số tác động tiêu cực khi quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân, trong đó có chỉ riêng việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì tổng mức đầu tư là 3.367 tỉ đồng.
Hiện nay, người dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu...
Năm 2020 xây dựng xong cơ dở dữ liệu quốc gia về dân cư
Trong dự thảo, Bộ Công an cũng kiến nghị lựa chọn giải pháp thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú là phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bộ Công an cho biết hiện nay, việc tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt nhiều kết quả quan trọng như: hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.HCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 tỉnh, thành phố và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh tại 18 địa phương...
Ngoài ra, ngành công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu.
Bộ Công an đánh giá việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi đồng thời có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu này.
Bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân
Trước đó, tháng 11-2017, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận