01/11/2017 08:07 GMT+7

Bỏ Sài Gòn về quê khởi nghiệp từ nhang sạch

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Từ ngày lấy nhang để khởi nghiệp, Võ Đình Duy (34 tuổi, Quảng Ngãi) luôn tâm niệm sảm phẩm phải sạch và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bỏ Sài Gòn về quê khởi nghiệp từ nhang sạch - Ảnh 1.

Một góc xưởng sản xuất nhang sạch của Võ Đình Duy - Ảnh: TRẦN MAI

Duy tâm sự: "Tôi nghĩ khởi nghiệp là bắt đầu từ những ý tưởng đột phá, không phải là lạ lẫm chưa ai làm. Có thể nhiều người làm, nhưng mình phải làm sao cho sản phẩm đó tốt hơn thì sẽ thành công".

Nhang cũng phải sạch

Cơ sở sản xuất nhang sạch của Võ Đình Duy nằm trong một con hẻm trên đường Lê Trung Đình, TP Quảng Ngãi, không có địa thế tốt nhưng nhiều người biết đến. Anh cùng nhiều người lao động lúi húi bỏ sản phẩm vào bao bì chuẩn bị chuyển đi Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội. 

Dù tất bật cho những đơn hàng tới hẹn, Duy liên tục kiểm tra quy trình của từng thẻ nhang.Khác với nhang truyền thống, nhang của Duy được làm từ vỏ và lá quế lấy từ hai vựa quế nối tiếng Việt Nam là Trà Bồng và Bắc Trà My. 

Nhang làm từ quế không cần dùng chất tạo hương thơm. Duy cho biết, người dùng phải chịu tác hại từ khói và hương liệu không phải tự nhiên, dễ dẫn đến các chứng bệnh do hít phải trong lâu ngày. 

"Bản thân tôi cũng rất mệt khi hít phải mùi nhang, lâu ngày rồi bị viêm xoang. Tôi muốn có một sản phẩm tốt nhất, để mọi người an tâm sử dụng, thờ cúng tổ tiên mà không có tác dụng phụ. Với tôi, nhang cũng phải sạch", anh nói.

Thời gian đầu, Duy vừa sản xuất, vừa mang nhang đi bán đạo. Để sản phẩm vào được thị trường là điều không dễ. Nhiều người từ chối vì mẫu mã chưa đẹp. Thế là Duy vừa làm vừa hoàn thiện. 

Nhiều thỏi nhang bị hư hỏng vì không có chất kết dính, trải qua nhiều lần trầy trật rồi cũng thành công. Khi mẫu mã đẹp và thu hút người dùng, Duy đã nhanh chóng "phủ sóng" và mở rộng thị trường. Thương hiệu nhang sạch của Duy được nhiều người biết đến và đơn đặt hàng ngày một nhiều. 

"Tôi nghĩ trong vài năm tới, sản phẩm của mình sẽ lan tỏa khắp cả nước. Hi vọng lớn nhất là có người sẽ cùng làm với mình để có thêm một sản phẩm sạch nữa ra thị trường", anh nói.

Hiện nay, anh đã thu mua gần 10 tấn vỏ, lá quế ở Trà Bồng, Quảng Nam, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh cũng đã hoàn thành các thủ tục cần thiết để Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận là sản phẩm nhang sạch. 

Bỏ Sài Gòn về quê khởi nghiệp từ nhang sạch - Ảnh 2.

Từ một công nhân, anh Duy giờ là chủ một cơ sở tạo công ăn việc làm cho nhiều người - Ảnh: TRẦN MAI

Lập nghiệp vì không muốn bị bó buộc

Võ Đình Duy học ngành máy đào, rồi được làm đúng chuyên ngành ở TP.HCM. Gắn bó với nghề nhưng Duy nghĩ mình còn trẻ mà cứ bó chân một chỗ, với phận làm thuê thì không biết đến bao giờ mới bứt phá đuợc. 

Vậy là năm 2014, anh quyết định bỏ phố về quê. Khi xác định nguồn nguyên liêu quế dồi dào, Duy gói ghém chút vốn liếng ra Đà Nẵng học nghề làm nhang tháng, rồi về mở xưởng riêng.

Nhìn lại quá trình lập nghiệp, Duy nhận thấy ai cũng có cơ hội để phát triển, phải tìm lối đi, mạnh dạn bước và phải luôn học hỏi. 

"Tôi nghĩ khởi nghiệp không xa vời, cao sang. Chỉ cần nhìn vào những sản phẩm thân thuộc hàng ngày, thử nghĩ xem mình có thể làm tốt hơn không. Nếu làm được thì thành công. Khởi nghiệp luôn dành cho tất cả những ai dám nghĩ dám làm. Chính ý tưởng khởi nghiệp từ nhang sạch đã giúp tôi bỏ Sài Gòn", anh Duy chia sẻ.

Bà Trần Thị Mỹ Ái - phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ngãi - chia sẻ: Tôi tình cờ biết Võ Đình Duy khi thấy anh đi tiếp thị nhang sạch trên các tuyến đường.

Tỉnh cũng đang phát động cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, những tấm gương khởi nghiệp như Duy rất đáng được tiếp sức. Sở cũng tạo điều kiện thuận lợi cho những tấm gương có tinh thần khởi nghiệp, nếu họ có ý định phát triển quy mô sản xuất.

Duy có ý tưởng hay, và thực tế đã thành công. Nếu bạn trẻ nào cũng thử sức trên nhiều lĩnh vực khác nhau thì sẽ tạo ra phong trào khởi nghiệp với rất nhiều ý tưởng từ những điều thân thuộc".

Khởi nghiệp: Rời văn phòng đi trồng rau xanh

TTO - Không ít bạn trẻ đang làm công việc thời thượng chốn thị thành đã rời bàn giấy, máy lạnh để trở thành nông dân chân lấm tay bùn, tìm tòi, theo đuổi mô hình nông nghiệp hữu cơ không hóa chất.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên