Giao sản phẩm cho khách mua hàng online trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Câu chuyện được giới mua hàng quan tâm hiện nay là từ tháng 3-2019, một số sàn thương mại điện tử bắt đầu thông báo ngưng cung cấp dịch vụ đồng kiểm khi nhận hàng. Điều này đồng nghĩa người mua hàng chỉ được mở kiện hàng sau khi đã thanh toán đầy đủ cho nhân viên giao hàng.
Bỏ đồng kiểm, người mua thiệt
Các sàn cho biết với chính sách mới, nếu phát hiện hàng hóa không đúng với mô tả, hàng giả, hàng kém chất lượng... người tiêu dùng sẽ phản hồi và đổi trả theo quy trình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử" ở TP.HCM ngày 25-4, ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết đồng kiểm là dịch vụ gia tăng và chỉ thực hiện được khi người bán và chủ sàn cùng hợp tác do quy trình này phát sinh chi phí như đóng gói, mở lại... Trong khi thống kê các giao dịch, sàn này thấy tỉ lệ người sử dụng bước đồng kiểm tra rất thấp.
"Và đó là lựa chọn kinh doanh. Trường hợp người mua hàng giá trị cao, họ muốn đồng kiểm thì người bán phải chịu phí, nhưng hiện nay người bán không chịu khoản phí này nên chúng tôi cho dừng" - ông Tuấn Anh nói. Trước đó, một sàn thương mại điện tử lớn là Lazada cũng thông báo dừng chương trình đồng kiểm.
Tuy vậy, nhiều người mua lo lắng tình trạng "mua điện thoại nhận cục gạch" sẽ còn xảy ra dài dài khi đồng kiểm giúp giảm tỉ lệ hàng giả, hàng nhái lại bị dừng. Việc đổi trả hàng với nhiều người rất nhiêu khê nên họ đành chọn phương án cho qua, không nữa.
"Người tiêu dùng chưa được bảo vệ"?
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, trong năm 2018 ước tính có gần 36.000 sản phẩm vi phạm hàng gian, hàng giả, hàng nhái... bị gỡ bỏ tại các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam. Hơn 3.000 tài khoản bán hàng bị khóa, xử lý gần 2.800 trường hợp phản ảnh của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, cho biết hàng gian, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện trên mạng ngày càng nhiều. Hiện những quy định pháp luật chưa hoàn thiện, trong khi doanh nghiệp cho rằng quản lý hàng giả, hàng nhái là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, vì thế buông lỏng khâu tự hậu kiểm.
Luật sư Phan Thị Việt Thu, trưởng văn phòng giải quyết khiếu nại Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cũng cho hay hiện văn phòng tiếp nhận rất nhiều phản ảnh của người tiêu dùng trong quá trình mua, sử dụng hàng hóa online, tuy nhiên phần lớn chỉ dừng lại ở mức độ hòa giải.
"Các sàn thương mại điện tử đều có chính sách riêng, nhưng nhiều trường hợp khách mua hàng qua mạng không hề được giải quyết. Giao dịch thương mại điện tử còn rất nhiều phức tạp trong khi tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp là quan hệ mua bán, văn phòng không có quyền xử lý hàng gian, hàng giả nên người dùng vẫn chưa được bảo vệ" - bà Thu nói.
Đã lọc nhưng không xuể?
Theo thống kê của Shopee, trong 120.000-150.000 sản phẩm được duyệt đăng bán mỗi ngày có khoảng 30.000 sản phẩm đăng bán bị xóa do vi phạm chính sách của nền tảng.
Tại Sendo.vn, tính từ tháng 7-2018 đến tháng 3-2019 đã có 35.285 sản phẩm bị xử lý vì vi phạm các chính sách bán hàng. Sàn thương mại điện tử Tiki có tỉ lệ vi phạm thấp hơn, dưới 0,02% sản phẩm bị nghi ngờ hàng giả, hàng gian và xử lý gỡ bỏ, sàn này cũng đã đóng 25 gian hàng trong quý 1-2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận