Theo đó, cử tri tỉnh Tiền Giang nêu thời gian qua việc sử dụng thiết bị bay siêu nhẹ chưa được quản lý chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không và trật tự xã hội.
Cùng với đó, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh chính trị.
Từ đó, cử tri kiến nghị có chế tài và giải pháp ngăn chặn, quản lý hiệu quả hơn.
Mức xử phạt vi phạm từ 1- 40 triệu đồng
Bộ Quốc phòng nêu rõ về chế tài xử lý vấn đề này đã được quy định tại nghị định 144/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong đó, mức xử phạt hành chính liên quan đến máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ từ 1 - 40 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Thẩm quyền xử phạt thuộc UBND các cấp, lực lượng công an và một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Về giải pháp quản lý, Bộ Quốc phòng thông tin, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng không nhân dân.
Trong luật mới được thông qua có 1 chương thể chế các chính sách về quản lý máy bay không người lái và phương tiện bay khác, làm cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý loại phương tiện bay này.
Sử dụng máy bay không người lái cần chú ý: Mức phạt vi phạm từ 1 - 40 triệu đồng
Bộ Quốc phòng với vai trò "chủ trì quản lý bảo vệ vùng trời quốc gia", đã chủ động phối hợp với công an, chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp quản lý hoạt động của máy bay không người lái.
Trang bị khí tài chuyên dụng để kiểm soát và bảo vệ chặt chẽ các khu vực, mục tiêu trọng yếu, sự kiện quan trọng; tiến hành tạm giữ, tịch thu nhiều phương tiện bay hoạt động trái phép.
Người sử dụng phải được đào tạo, cấp giấy phép
Tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Tiền Giang, Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý máy bay không người lái và phương tiện bay khác.
Việc này, nhằm quản lý đồng bộ, toàn diện các hoạt động liên quan đến máy bay không người lái, phương tiện bay khác, được cụ thể hóa bằng các nội dung.
Như quản lý đầu vào thông qua kiểm soát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất. Quản lý chủ sở hữu bằng việc đăng ký định danh từng thiết bị bay.
Quản lý người khai thác, sử dụng bằng biện pháp áp dụng điều kiện người sử dụng phải được đào tạo, cấp giấy phép.
Quản lý hoạt động bay thông qua việc cấp phép bay, dự báo, thông báo, hiệp đồng trước khi bay.
Kết hợp chặt chẽ, phát huy thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân trong quản lý loại phương tiện bay này.
Tăng cường các biện pháp kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời, hạn chế rủi ro tác động không mong muốn đến quốc phòng, an ninh, an toàn bay và trật tự an toàn xã hội; đồng thời góp phần ứng dụng phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Máy bay không người lái phải được đăng ký trước khi sử dụng
Luật Phòng không nhân dân được kỳ họp thứ 8 của Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1-7-2025.
Đáng chú ý, luật mới đã quy định rõ việc quản lý máy bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không.
Theo đó, máy bay không người lái, phương tiện bay khác phải được đăng ký trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Việc cấp phép bay phải phù hợp với thông số kỹ thuật, mục đích sử dụng của máy bay không người lái, phương tiện bay khác, khả năng quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay và bảo đảm về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn hàng không và lợi ích công cộng.
Thẩm quyền cấp phép bay được quy định cụ thể trong luật. Luật mới cũng quy định rõ việc chế áp, tạm giữ máy bay không người lái, phương tiện bay khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận