11/10/2024 17:32 GMT+7

Bộ Quốc phòng đề xuất người ngoài ngành quân đội, công an được tham gia gìn giữ hòa bình

Bộ Quốc phòng đề xuất huy động cán bộ, công viên chức tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc để đề cao hình ảnh thân thiện, tinh thần trách nhiệm.

Bộ Quốc phòng đề xuất người ngoài ngành quân đội, công an được tham gia gìn giữ hòa bình - Ảnh 1.

Những người lính gìn giữ hòa bình lên đường làm nhiệm vụ - Ảnh: NAM TRẦN

Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (Liên Hiệp Quốc) do Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì xây dựng.

Theo Bộ Quốc phòng, việc triển khai lực lượng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình được thực hiện theo nghị quyết 130/2020 của Quốc hội, nhưng quá trình thực hiện phát sinh nhiều hạn chế.

Quy trình triển khai, tuyển chọn, đào tạo lực lượng chưa đầy đủ, chặt chẽ. Việc bảo đảm nguồn lực, tài chính; chế độ, chính sách đãi ngộ cho các sĩ quan chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn. Từ đó, bộ nêu rõ xây dựng, ban hành luật này là cần thiết.

Đề xuất bổ sung lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình

Đáng chú ý, tại dự luật đề xuất bổ sung thêm lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Cụ thể, dự luật quy định lực lượng vũ trang gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an.

Lực lượng dân sự gồm cán bộ, chuyên gia, công chức, viên chức nhà nước.

Cùng với đó, dự thảo luật quy định lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc được tuyển chọn từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ban, bộ, ngành, địa phương.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn đối với lực lượng thuộc quyền, đáp ứng yêu cầu của Liên Hiệp Quốc theo từng đơn vị, vị trí tuyển chọn.

Các ban, bộ, ngành, địa phương chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn đối với lực lượng thuộc quyền, đáp ứng yêu cầu của Liên Hiệp Quốc theo từng đơn vị, vị trí tuyển chọn...

Bộ Quốc phòng đề xuất người ngoài ngành quân đội, công an được tham gia gìn giữ hòa bình - Ảnh 2.

Đội Công binh số 3, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc - Ảnh: NAM TRẦN

Đề cao hình ảnh thân thiện, tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp

Tại báo cáo đánh giá tác động dự Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Bộ Quốc phòng cho hay cán bộ tham gia gìn giữ hòa bình hiện nay được lấy từ các đơn vị trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Việc này dẫn đến lực lượng còn hạn chế, không thu hút, nâng cao trình độ nhân sự.

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc luôn khuyến khích sự tham gia của dân sự nhằm khai thác tối đa trình độ chuyên môn. Họ được kỳ vọng có thể xây dựng hòa bình ngay lập tức sau xung đột hoặc cải thiện các vấn đề về an sinh cho người dân.

Nếu chính sách này được thông qua, Bộ Quốc phòng cho rằng Nhà nước sẽ huy động được nguồn nhân lực phong phú, xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Chính sách này cũng hướng đến đường lối đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; đề cao hình ảnh thân thiện, tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Theo Bộ Quốc phòng, việc bổ sung cán bộ, công chức, viên chức nhà nước vào diện được cử tham gia gìn giữ hòa bình đã được thể hiện tại đề án tổng thể năm 2012 của Bộ Chính trị.

Bộ Quốc phòng chỉ rõ việc thể chế hóa điều này trong luật đòi hỏi sửa đổi một số nội dung tại các Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Chính phủ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được điều động về cơ quan, đơn vị cũ công tác.

Do đó, Bộ Quốc phòng nêu rõ chính sách này không tác động quá nhiều đến tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, không làm phát sinh tổ chức trung gian, không làm tăng biên chế.

Về huấn luyện, đào tạo, Bộ Quốc phòng cho biết Liên Hiệp Quốc có cơ chế, chính sách đối với viên chức dân sự của Chính phủ được cử làm nhiệm vụ.

Các nhân sự này vẫn phải qua quá trình tuyển chọn, đào tạo và đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu của Liên Hiệp Quốc tương tự như lực lượng vũ trang.

Đến nay, Bộ Quốc phòng đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại ba phái bộ và trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Đặc biệt cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức thành công lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến số 2 cấp 6 và Đội Công binh số 3 đi thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ Nam Sudan và khu vực Abyei.

Bộ Quốc phòng đề xuất người ngoài ngành quân đội, công an được tham gia gìn giữ hòa bình - Ảnh 3.Bộ Quốc phòng thông tin mới về đề xuất nâng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan quân đội

Bộ Quốc phòng cho hay dự thảo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung chức vụ cơ bản của sĩ quan, nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan từ 1 đến 5 tuổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên