Đại tá Phạm Hải Châu, phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết như vậy tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 (bão Yinxing) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 8-11.
Theo đại tá Châu, để ứng phó với bão số 7, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã có ba công điện chỉ đạo các đơn vị từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa duy trì chế độ trực và sẵn sàng lực lượng, phương tiện.
"Hiện có hơn 270.000 cán bộ và hơn 5.000 phương tiện, trong đó có máy bay trực thăng sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo lực lượng biên phòng các địa phương kêu gọi, kiểm đếm các tàu thuyền. Ghi nhận không có tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm", đại tá Châu cho biết.
Để ứng phó hiệu quả hơn đối với bão số 7, đại tá Châu nhấn mạnh do đặc điểm bão số 7 khi vào gần bờ có thể suy yếu nên người dân có thể có tư tưởng chủ quan.
Do đó các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý, thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến bão để chủ động ứng phó, tuyên truyền đến người dân, kể cả tình huống thời tiết xấu hay bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng áp thấp.
"Cần đề phòng mưa lớn trên đất liền vì từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 đến giờ có hai đợt mưa lớn ở miền Trung, nếu bão số 7 gây mưa lớn nữa thì hết sức nguy hiểm, cần sẵn sàng phương án, địa điểm di dời người dân tới nơi an toàn", đại tá Châu nói thêm.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh, các dự báo nhận định bão mạnh nhất có thể đạt cấp 15 và giật trên cấp 17.
"Dự báo cho thấy thời điểm này là thời điểm mạnh nhất của bão, sau đó bão có khả năng yếu đi, khi vào gần bờ có thể giảm nhiều cấp nữa. Tuy nhiên chúng ta không được chủ quan", ông Hiệp nói.
Đồng thời lưu ý các dự báo đều nhận định bão số 7 có thể đổ bộ vào Trung Trung Bộ - nơi 10 ngày qua chịu ba đợt thiên tai gây mưa lụt rất lớn, trong khi người dân có tâm lý mệt mỏi, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo.
Thứ hai, hiện nay các hồ chứa ở miền Trung cơ bản đã đầy, rất nhiều hồ đang xả tràn, nên có nguy cơ mất an toàn rất cao. Do đó, ông Hiệp đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú ý công tác vận hành, đảm bảo an toàn hồ chứa.
Với khu vực miền núi, trong 10 ngày vừa qua, miền núi các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã ngậm no nước. Do đó chỉ cần một tác động nhỏ nữa là dẫn tới nguy cơ sạt trượt.
"Đây là ba chỉ dấu, chúng tôi rất lo lắng. Do đó các địa phương không chủ quan, cần thực hiện nghiêm công điện chỉ đạo ứng phó với bão số 7 của Thủ tướng", ông Hiệp nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận