Hồ Thị Ánh cùng các cộng sự và bà con nông dân tại quê nhà - Ảnh: L.TRANG
Cơ sở chế biến thực phẩm Ông Thắng Phan Rang tại phường Phước Mỹ, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) nhiều năm nay sáng đèn để cho ra những mẻ thực phẩm sạch đưa đi khắp mọi miền.
Đằng sau những mặt hàng này là câu chuyện về hành trình theo đuổi không biết mệt mỏi của cô gái sinh năm 1987 Hồ Thị Ánh.
Những câu hỏi cho chính mình ở trời Âu
Ánh cho biết quê mình ở Thanh Hóa, nhưng gia đình dắt nhau về Ninh Thuận để nuôi tôm. Giấc mơ đổi đời từ đìa tôm sớm tan vỡ. Hồ Thị Ánh nói rằng ám ảnh về công việc làm nông và những ngày gia đình đối diện với khủng hoảng tới giờ vẫn khiến cô suy nghĩ.
Năm 2005, Ánh vào TP.HCM học ngành công nghệ thực phẩm tại ĐH Nông lâm TP.HCM. Người em họ của Ánh cũng đã chọn ngành học này và được học bổng tại Pháp. Câu chuyện ấy đã thôi thúc Ánh tìm đường tới nước Pháp.
Vào những ngày cuối cùng của thời sinh viên, cô nhận được tin mừng trúng tuyển chương trình du học toàn phần tại Pháp do Hiệp hội Đại học Pháp ngữ (AUF) tài trợ.
Được qua Pháp là cả niềm vinh dự và đứng trước cơ hội thênh thang vào đời. Tuy nhiên những ngày du học ở Pháp, Ánh tự đặt câu hỏi: "Đâu mới là thứ mình theo đuổi, đâu mới là hạnh phúc cuối cùng của đời mình? Và tôi tự trả lời rằng, đó chắc chắn không phải là con đường đang đi".
Cuối khóa học, cô được nhận vào thực tập ở một công ty chế biến thức ăn sẵn ở Pháp. Thấy khả năng tiềm tàng của cô gái Việt, doanh nghiệp này đã nhận Ánh vào làm, trả lương cao khi chưa hết kỳ thực tập. Nhưng "hành trình hoa hồng" này không dừng lại.
Những ham muốn tột bậc về nông nghiệp vẫn cháy như ngọn lửa âm ỉ trong Ánh. Làm được đúng 3 năm, khi trả hết nợ nần cho gia đình, Ánh bỏ việc về nước.
Định nghĩa thành công cho bản thân
"Năm 2013, tôi nghỉ làm ở Pháp để đón máy bay quay về VN. Tôi lựa chọn làm việc cho xanhshop.com - công ty chuyên về phân phối thực phẩm không hóa chất, vì nhận thấy chủ shop này có mục tiêu và giá trị theo đuổi như tôi" - Ánh nói.
Vì sao đang có thu nhập cao ở Pháp, cơ hội rộng mở mà lại về quê tìm lẽ sống? Nghe câu hỏi này, Ánh cười và trả lời rằng thật khó người trẻ nào thoát ra khỏi định kiến và xu hướng xã hội. Cô cũng thế! Đã có mơ ước đi học, rồi đi làm phấn đấu sớm có "nhà lầu, xe hơi, làm to" như những tiêu chí người Việt thường đặt ra khi định nghĩa thành công.
Nhưng với Ánh, càng đi nhiều, cơ hội nhiều, cô lại có cách nhìn khác hơn về sự thành công: thành công, thành đạt chính là thấy mình đủ, thấy mình hạnh phúc. Thành công là làm được một điều gì đó cho gia đình và những người xung quanh - dù là nhỏ. Mọi thước đo về vật chất, chức vị không còn nhiều ý nghĩa.
Chọn cho mình công việc trong mảng phân phối thực phẩm xanh, Ánh nói rằng đó là cách mà cô chuẩn bị cho hành trang lớn hơn và cũng sẽ là đích đến "hạnh phúc" của đời mình: về quê, mở một cơ sở chế biến thực phẩm để biến nông sản quê mình thành những món hàng đắt giá.
Ánh làm ở TP.HCM tròn 4 năm và cũng nhờ thời gian đó mà cô có kiến thức bao quát về hiện trạng canh tác nông nghiệp, hiện trạng thực phẩm, tình trạng thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp, nỗi ám ảnh về hạn mặn...
Ánh trả lời được những câu hỏi mà mình luôn trăn trở nhiều năm: việc canh tác nông nghiệp có tác động lớn như thế nào lên môi trường, sức khỏe người nông dân và người tiêu dùng? Việc tiêu dùng thực phẩm lành, sạch có tác động lớn như thế nào lên sức khỏe thân và tâm?
Ánh trong công việc thường ngày của một nông dân - Ảnh L.TRANG
Thử thách và vượt qua
Cô gái trẻ từng qua trời Âu, trở về với ruộng vườn. Ánh bảo rằng một khi đã xác định về với nông nghiệp là xác định đi theo một lựa chọn đầy khó khăn. Ở đó, thậm chí những giấc mơ sẽ đổ sụp ngay trước mặt một cách chóng vánh và đầy phũ phàng.
Quá nhiều thông tin, hình ảnh mơ mộng đã vẽ ra một viễn cảnh "về quê thưởng lãm và an nhàn", nhưng thực tế có những kịch bản mà ngay cả người kỹ tính nhất cũng đã không thể soạn sẵn cho mình.
Ánh về lại quê nhà trong sự ngỡ ngàng của người thân và bà con chòm xóm. Cô bảo bỏ hết mọi thứ để về quê làm thực phẩm sạch từ nguyên liệu sẵn có. Nhưng chẳng ai tin cô.
Không phải tiếc cho công sức học hành của Ánh, mà mọi người ở quê Ánh đều hiểu rằng làm nông nghiệp chưa bao giờ là lựa chọn nhàn nhã, dễ "ăn". Vì thế họ mới quyết nuôi con cái trưởng thành để ra đi, thay vì ở lại trên ruộng vườn của mình.
Ánh cho biết việc đầu tiên cô làm là đi mượn đất làm vườn, thử nghiệm các loại cây trồng khác nhau, thời gian rảnh thì tự chạy xe máy tìm về các tỉnh để quan sát học hỏi. Đây là giai đoạn dò dẫm, ươm đặt để giúp Ánh nắm được "tính khí" của từng loài cây, thời tiết địa phương.
Rồi Ánh nhận ra được giá trị của cái nắng đặc trưng nơi cô sống, thứ nắng đó chính là "nguyên liệu" đặc biệt để làm ra những mẻ chuối sấy. Cô chọn làm chuối. Hì hục cả những ngày tết đến đầu năm 2017, Ánh vẫn chưa một lần thành công với những mẻ chuối sấy.
"Ngó người ta làm thì có vẻ dễ xơi lắm, nhưng thực tế bắt tay vào thì cơ cực vô cùng tận. Có những ngày tôi bỏ cả ăn, thức trắng đêm để canh các mẻ chuối sấy nhưng mẻ nào ra cũng què quặt, miếng thì màu xám xịt, thật khác với hình ảnh mình mường tượng" - Ánh nói.
Ánh hơn người ở sự kiên trì, ít ra thì mọi thứ cô đang vấp phải lúc đó cũng đã có trong kịch bản. Nhưng có một kịch bản rất khác mà ngay cả một công dân sinh ra lớn lên ở vùng đất nắng cháy như Ánh chưa lường tới: không phải lúc nào ánh nắng cũng căng tràn để cô phơi chuối cho suôn sẻ.
"Những ngày thiếu nắng, hàng đống chuối đã được sắp lên vỉ phơi bỗng mốc meo, chảy nước. Tôi vừa xót của, vừa nghĩ mình đúng là non dại. Đứng nhìn từng mẻ chuối tâm huyết làm mà chẳng biết khóc hay đang cười" - Ánh nhớ lại.
Mất của thì đã đành. Nhưng Ánh còn kể rằng một sự cố ngoài tưởng tượng làm cô như mắc nợ chính bà con nông dân nơi cô khởi nghiệp. Khi thấy từng đống chuối sấy của Ánh bị hư hỏng, phải đổ bỏ, thì một nông dân gần đó đã qua xin về làm thức ăn cho bò.
Dù ngần ngại vì có thể gây ngộ độc cho vật nuôi, nhưng Ánh đành gật đầu trước quả quyết của anh hàng xóm kia.
Đêm hôm đó, sau bữa chuối sấy căng bụng, chú bò nhà hàng xóm ngã vật ra, bụng trướng lên như quả bóng bay bị bơm căng tức. Chú bò bị trướng bụng, mắt trợn ngược, rồi rống những âm thanh cuối cùng và chết trong thảm thương.
Ánh nói rằng mấy năm làm, mọi toan tính đều gần như đi lệch với dự định ban đầu. Càng làm càng nhiều thử thách và đồng vốn khởi nghiệp ban đầu đã không cánh mà bay. Cô nhận ra rằng không thể ngây thơ làm theo kiểu "thuận tự nhiên" như cô từng say mê mà phải dùng máy móc, công nghệ.
Cô mày mò đi đặt mua lò sấy, từ chuối, rong sụn, đường mía, ruốc tươi... Ánh học dần và chỉnh nắn sản phẩm chất lượng cao để được người mua chấp nhận. Cô mở rộng cơ sở, tìm cách bắt tay với nhiều người theo xu hướng nông nghiệp sạch.
Và vượt qua nhiều khó khăn, Ánh đang vững bước tiến với tâm huyết cháy bỏng.
Sau nhiều năm về quê, Hồ Thị Ánh giờ đã là bà chủ của cơ sở sản xuất thực phẩm Ông Thắng Phan Rang. Hằng ngày cô tự thiết lập công việc cho chính mình, gặp gỡ đối tác là những người nông dân.
Mạng lưới nông nghiệp sạch do Ánh tổ chức với quy trình khép kín từ trồng trọt, chế biến tới bao tiêu sản phẩm đã thuyết phục được hàng chục nông dân tại Phan Rang. Ngoài các "đối tác" đặc biệt đó, xưởng của Ánh luôn có trên dưới 10 lao động làm việc và không ít các chuyên gia về nông nghiệp sạch sẵn sàng hỗ trợ khi cô gặp khó khăn.
****
Một kỹ sư hóa dầu được nhận vào làm với mức lương cao tại Vũng Tàu. Ngỡ sẽ gặp anh chàng này đâu đó trên giàn khoan, nhưng giờ lại miệt mài trên đám ruộng ở Quảng Nam.
>> Kỳ tới: Tôi là "Nhân" nông dân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận