04/11/2024 14:34 GMT+7

Bỏ phố về quê và những cơ hội rộng mở

Bỏ phố về quê không chỉ giúp cá nhân người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần vào sự phát triển xã hội.

Về quê lập nghiệp từ góc nhìn lợi thế so sánh - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Phượng (bìa trái, huyện Cái Nước, Cà Mau) hài lòng với quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp - Ảnh: THANH HUYỀN

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, nếu trước đây người lao động ở các tỉnh thành có xu hướng tập trung về các khu công nghiệp ở các thành phố lớn thì nay đã giảm. 

Thống kê năm 2023 cho thấy tỉ lệ người nhập cư TP.HCM chỉ tăng 0,67%, tương ứng khoảng 65.000 người (trong khi trước đó khoảng 200.000 - 250.000 người/năm).

Và lần đầu tiên TP.HCM cũng như một số tỉnh, thành Đông Nam Bộ không còn được xem là "miền đất hứa" khi ngày càng nhiều khu công nghiệp ở các địa phương mọc lên và người lao động có xu hướng về quê càng nhiều.

Nhằm góp thêm góc nhìn, sau đây là ý kiến của thạc sĩ Trần Xuân Tiến.

Làm giàu tại quê hương

Mức lương thấp hơn so với khu vực thành phố, nhưng bù lại chi phí sinh hoạt hằng ngày thường "dễ thở" hơn, tiết kiệm được nhiều hơn là lợi thế so sánh nổi trội khi người lao động quyết định trở về quê hương lập nghiệp.

Về quê, người lao động có thể tận dụng nguồn lực nhà cửa đất đai sẵn có, lợi thế về nguồn nguyên liệu phong phú và không gian rộng lớn để phát triển các sản phẩm địa phương, phát triển kinh tế gia đình.

Không chỉ vậy, ở quê người lao động còn có được sự ủng hộ, hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và mạng lưới cộng đồng chặt chẽ. Những cơ hội việc làm luôn rộng mở cũng từ đây.

Hoặc xa hơn, giấc mơ khởi nghiệp ở quê không còn là câu chuyện quá xa vời, nhờ có sự phát triển của xã hội, trong đó có sự phát triển của khoa học công nghệ, mạng Internet.

Nhiều mô hình kinh doanh từ nông nghiệp đến công nghệ cao, từ du lịch sinh thái đến thương mại điện tử đều đang thành công nở rộ ở nhiều nơi, tạo khí thế phát triển kinh tế cho người lao động khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, khu vực nông thôn với những nhu cầu địa phương là một thị trường ngách đầy tiềm năng. Thực tế cho thấy ở nhiều vùng quê, các sản phẩm và dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu mong đợi. Phát triển kinh doanh những mặt hàng bản địa, những loại hình dịch vụ ngay tại quê hương chính là cơ hội đầy triển vọng khả quan.

Tạo đà cho xu hướng phát triển này, nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông thôn, nông dân đã được Nhà nước quan tâm, khuyến khích.

Đây là những cơ chế thuận lợi giúp người lao động thêm vững tin vào cơ hội làm giàu ngay tại quê hương mà không cần phải di cư đến các đô thị đông đúc vốn đang quá tải về dân số cơ học.

Cơ hội rộng mở

Không khí trong lành do gần gũi với thiên nhiên, nhịp sống yên bình, có thời gian chăm lo cho bản thân và gia đình, ít đối mặt với stress… là những lợi ích về sức khỏe tinh thần mà người lao động có được khi về quê lập nghiệp.

Những điều này có thể là xa xỉ trong hoàn cảnh sống ở thành phố - nơi luôn trong tình trạng bận rộn, áp lực.

Đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cũng là một lợi thế so sánh mà người lao động rất quan tâm. Đấy là chưa kể xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đang gia tăng, mở ra cơ hội cho người dân quê cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho thị trường.

Nhìn từ góc độ vĩ mô, lựa chọn lập nghiệp ở quê không chỉ giúp cá nhân người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Vì khi người dân trở về quê khởi nghiệp, họ sẽ tạo ra việc làm cho người khác, giúp phát triển kinh tế địa phương và giảm thiểu tình trạng di cư vào đô thị.

Các mô hình hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp địa phương cũng đang dần hình thành, tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện, hài hòa. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn gắn kết cộng đồng, xây dựng một xã hội kinh tế phát triển.

Cuộc sống bấp bênh ở đô thị dường như là nguy cơ thường gặp khi người lao động quyết định tìm kiếm sinh kế tại đây. Các thành phố lớn hứa hẹn những công việc có mức lương cao hơn so với khu vực nông thôn, nhưng điều này đồng nghĩa với gánh nặng tài chính và áp lực cuộc sống cũng sẽ trở nên không dễ dàng.

Hàng loạt mối lo toan cân não như sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động, chi phí sinh hoạt tăng cao, yêu cầu khắc nghiệt của công việc… khiến người lao động lâm vào tình trạng tài chính bấp bênh, khó lòng tiết kiệm.

Thành công hay không đừng đánh giá ở bên ngoài

Thành công - với mỗi người lại có những định nghĩa khác nhau, mức độ khác nhau. Do vậy, cũng khó để nói rời phố về quê là không thành công mà do quan điểm sống, tâm thức thay đổi.

Họ chọn vun bồi điều gì? Có nhiều người coi tiền bạc, địa vị (những thứ bên ngoài) là thành công. Nhưng cũng có những người chọn đời sống gần gũi thiên nhiên, bình an, tự do tự tại, không áp lực vướng bận, và quay vào bên trong mình, nuôi dưỡng sự tươi mát trong mình là thành công.

Bạn đọc An Nhiên

Về quê lập nghiệp từ góc nhìn lợi thế so sánh - Ảnh 3.Rời phố về quê: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt?

Rời Hà Nội vào Sài Gòn rồi quay lại Hà Nội, sau đó tiếp tục rời Hà Nội về quê nhà sau 20 năm gắn bó, tôi nhận ra một điều: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên