Lúc đó trẻ trung, tôi cứ tưởng đi theo con đường của số đông thì khoảng cách tới ước mơ sẽ ngắn lại. Ấy thế rồi nhiều lần bị thành phố đẩy ngã đau điếng.
Mới đầu, tôi cũng hoảng hốt sợ hãi đủ thứ. Lúc đấy hay tự hỏi liệu mình có hợp với thành phố không? Cũng từng chùng bước, từng rệu rã tới cùng cực ở mảnh đất này.
Mỗi lần đi ngang cây cầu gần nhà, chẳng hiểu sao lại thấy nặng lòng tới lạ. Nhìn từng dòng xe lướt qua với những mảnh đời khác nhau đan xen tồn tại, tự nhiên thấy mình sao bơ vơ quá!
Về quê tưởng bình yên, mà đầy xung đột
Thế rồi trong cơn sốt thất nghiệp ở thành phố, tôi quyết định bỏ phố về quê. Cứ tưởng đã tìm được chốn bình yên sau bao năm bôn ba xứ lạ, vậy nhưng mọi chuyện chẳng suôn sẻ như tôi nghĩ.
Nhà tôi vốn neo người. Sau khi ba mất, nhà chỉ còn lại mẹ già đau ốm quanh năm. Chẳng có ruộng vườn, cái ý niệm về quê để "nuôi cá và trồng thêm rau" được loại trừ ngay từ đầu.
Bằng khoản tiền tiết kiệm cả mười năm đi làm, tôi sửa lại cổng nhà đã bị đập do mở rộng đường quốc lộ của địa phương, sau đó chi trả các chi phí sinh hoạt của hai mẹ con.
Mới đầu, mẹ tôi rất vui khi được ở cạnh con cái, và tôi thì cũng thấy an tâm vì có thời gian chăm sóc mẹ, khi lúc trước tôi chưa có cơ hội báo hiếu cho ba.
Thế nhưng lâu dần, nhiều xung đột xảy ra giữa hai con người có sự khác biệt nhau về tính cách, lối sống. Chẳng hạn mẹ tôi có sự ám ảnh về những con vi trùng, và mỗi ngày bà dành cả nửa buổi sáng chỉ để... súc miệng, rửa mặt.
Nhiều lúc tôi mua đồ ăn sáng về, muốn chờ mẹ ăn chung, nhưng ngày nào bữa sáng cũng biến thành bữa trưa, vì đợi mẹ làm vệ sinh cá nhân xong đã tới 13h.
Tôi bận tối mặt với những công việc nhà không tên, nhưng hình như chẳng có cái nào tôi làm mà mẹ vừa ý. Đôi khi tôi vừa mệt vừa tủi thân, nghĩ bụng, nếu mẹ chỉ hỏi han một câu quan tâm thôi tôi cũng đã ấm lòng. Nhưng rồi tôi liền lắc đầu, chắc mẹ già, lại đau ốm nên mệt người, khó tính là chuyện bình thường. Thế là tôi lại thôi nghĩ ngợi.
Sau một tháng nghỉ ngơi, tôi cảm thấy đã đến lúc mình cần đi tìm một công việc mới. Mẹ thường xuyên ám chỉ, rằng con A nhà bà B làm lương tháng 100 triệu, vừa gửi tiền cho bà B xây lại nhà. Hay thằng C con ông D, hồi trước học đâu bằng tôi nhưng giờ đã có nhà lầu xe hơi.
Có lẽ thói quen của một bộ phận người ở quê là hay đi so sánh nhau, cứ chăm chăm xem ai giàu ai nghèo, con ai làm nhiều tiền hơn, hay đứa nào lớn rồi mà chưa gả chồng được…
Biết vậy, nhưng ngày nào cũng nghe mẹ nói thế, tôi có hơi chạnh lòng.
Tìm việc ở quê còn khó hơn ở thành phố
Tôi bắt đầu nộp hồ sơ và đi phỏng vấn ở vài công ty trong tỉnh. Thế nhưng, ngoài sự chênh lệch quá lớn về mức lương, cách làm việc cũng như cơ chế thăng tiến làm tôi có phần hụt hẫng.
Có người còn hỏi thẳng tôi có quen ai làm trong cơ quan nhà nước hay không, bởi họ cần người quen để đi giải quyết các hồ sơ cho trót lọt.
Có nơi thì cần phải đi tăng ca trên bàn nhậu sau giờ làm, vì thói quen ngoài này là ký hồ sơ bên cốc bia hơi, hoặc hơn thế.
Một đứa chẳng có mối quan hệ, chẳng có tiền bạc, lại không phải dạng thực sự giỏi xuất chúng như tôi, tìm một công việc ở quê còn khó hơn khi ở thành phố.
Chưa kể, về quê là để chăm mẹ, nếu đi làm cả ngày rồi còn tăng ca trên bàn nhậu như thế với mức lương 4 triệu, thì tôi lo cho mẹ vào lúc nào? Kể ra, nếu làm ở thành phố thì lương còn cao hơn, dư dả tí đỉnh gửi cho mẹ được.
Thế là, sau một lần nghe mẹ tiếp tục so sánh bóng gió với con nhà hàng xóm, tôi quyết định khăn gói lên lại thành phố.
Sau quãng thời gian về quê, tôi chợt nhận ra, ở đâu cũng có những khó khăn nhất định. Nếu chưa có sự tự do thật sự, nghĩa là chưa thể tự lo cho bản thân, chưa tự chủ về kinh tế, thì bỏ việc ở thành phố để về quê là một quyết định rất mạo hiểm.
Đặc biệt như tôi, nhà không có ruộng vườn, chỉ có mẹ già mất sức lao động, về quê không phải là lựa chọn sáng suốt.
Sự bần cùng trong tiền bạc khiến suy nghĩ cũng nghèo nàn theo. Những xung đột giữa tôi và mẹ về vấn đề tài chính và lối sống cũng bào mòn dần tình cảm của hai bên.
Vì vậy, tôi nghĩ mình nên tiếp tục bám trụ tại thành phố, nỗ lực tự chủ về tài chính, sau đó sẽ đón mẹ lên chăm khi đã có một căn phòng rộng rãi thay vì dãy trọ chật hẹp. Tôi nghĩ mình cần thực tế hơn, bởi cuộc đời không phải chỉ có màu hồng.
Còn bạn, lý do gì khiến bạn lựa chọn ở lại thành phố để sinh sống và lập nghiệp? Nếu muốn về quê, về nhà, bạn gặp những trở ngại, khó khăn gì? Mời bạn chia sẻ câu chuyện về hòm thư [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận