Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang về đầu tư hệ thống trữ nước ngọt và đầu tư xây dựng hồ trữ nước ngọt với quy mô lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo cử tri tỉnh An Giang, hiện nay biến đổi khí hậu và tình hình thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến nguồn nước của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.
Mực nước ở các sông, kênh cấp nguồn xuống thấp và rất thấp đã gây ra sạt lở, sụt lún các cơ sở hạ tầng, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Mặt khác tình trạng xâm nhập mặn vào đất liền ngày càng sâu, gây thoái hóa, hư hại đất làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, tác động đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Sắp có thêm hồ chứa nước ngọt 80 triệu m3
Đối với kiến nghị đầu tư hệ thống trữ nước ngọt để bổ sung vào lượng nước bị thiếu hụt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết bộ đã chỉ đạo và các địa phương tổ chức triển khai theo các hình thức trữ chủ yếu như trữ nước trong mương vườn bằng cách lên liếp, tạo mương trữ nước giữa các hàng cây.
Trữ nước bằng cách đào ao, bể phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình, trữ nước trên ruộng (đối với cây lúa) và trữ nước trong lu, vại, bể (phục vụ cấp nước sinh hoạt).
Trữ nước trong hệ thống kênh rạch, theo tính toán của các đơn vị tư vấn của bộ, tổng lượng nước có thể trữ trong hệ thống kênh, rạch các cấp của hệ thống thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2,5 - 3 tỉ m3 nếu được đầu tư thêm công trình thủy lợi nội đồng và thực hiện linh hoạt quy trình vận hành.
Điển hình, hệ thống thủy lợi bắc Bến Tre hiện đang được đầu tư, khi hoàn thiện thì sông Ba Lai sẽ trở thành 1 hồ chứa nước ngọt với dung tích khoảng 80 triệu m3.
Hiện nay, bộ đang chỉ đạo đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, xâm nhập mặn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2026 để cấp nước cho người dân thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nghiên cứu xây cống Vàm Cỏ, Hàm Luông
Đối với kiến nghị đầu tư xây dựng hồ trữ nước ngọt với quy mô lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long, bộ đánh giá đây là khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng và mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, việc xây dựng các hồ chứa quy mô lớn trong vùng cũng đã được nghiên cứu bước đầu.
Tuy nhiên, một số vấn đề khá khó khăn cần nghiên cứu sâu hơn để giải quyết, như việc trữ nước quy mô lớn cần giải phóng mặt bằng với diện tích đất rất lớn (đa số là đất canh tác lúa 2-3 vụ/năm), chất lượng nước sẽ bị ảnh hưởng ở những khu vực đất phèn, đất mặn và tốc độ bốc hơi lớn.
Cùng với đó là khó khăn trong đảm bảo an toàn công trình trữ nước (nhất là vào mùa lũ) và trong công tác quản lý, vận hành, khai thác do phải chuyển nước đến vùng khô hạn cách xa hồ chứa nước (phải dùng bơm và các công trình chuyển nước qua các hệ thống sông, kênh, rạch trong vùng).
Một trong những giải pháp được đề xuất hiện nay là xây dựng các hồ trữ nước phân tán để phục vụ nhu cầu tại chỗ, các hồ chứa này chủ yếu được tận dụng các đoạn kênh đã có hoặc các khu đất trũng, ngập nước để giảm bớt diện tích đất sử dụng.
Điển hình như hồ chứa kênh Lấp (tỉnh Bến Tre), hồ chứa nước huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), hồ Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang)…
Về lâu dài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu giải pháp xây dựng các cống lớn kiểm soát cửa sông Cửu Long như cống Vàm Cỏ, cống Hàm Luông…
Khi đó các sông chính sẽ đóng vai trò như những hồ chứa nước để phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân.
Bộ cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang kiến nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Chiến lược phát triển trồng trọt và các chính sách hỗ trợ ngành trồng trọt trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, chủ động bố trí và lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để phục vụ sản xuất và sinh hoạt thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận