Bộ Nội vụ mới đây đã có trả lời kiến nghị của cử tri một số địa phương gửi đến sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
'Có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp'
Theo đó, cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ xem xét việc bảo đảm lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức quy định.
Đồng thời cân nhắc việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành giáo dục, thống nhất phân bổ tỉ lệ tinh giản biên chế viên chức giai đoạn 2022 - 2026 theo hướng chia theo từng khu vực, miền và không cào bằng.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ nêu rõ tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện.
Việc này bảo đảm giai đoạn 2022-2026 giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (không giảm số lượng người làm việc) so với năm 2021 (không bao gồm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp) theo kết luận 18 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và kết luận 40 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Đồng thời Bộ Chính trị đã phê duyệt biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với từng địa phương đến năm 2026, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.
Đối với biên chế giáo viên, để bảo đảm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp".
Theo đó Bộ Chính trị đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026, trong đó năm học 2022 -2023 bổ sung 27.850 biên chế giáo viên, năm học 2023 -2024 bổ sung 27.826 biên chế giáo viên.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, năm học 2022-2023 được bổ sung 1.681 biên chế giáo viên, năm học 2023-2024 được bổ sung 2.654 biên chế giáo viên.
Trường hợp số biên chế giáo viên sau khi được bổ sung vẫn còn thiếu so với định mức, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa căn cứ quy định về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để xác định số giáo viên sẽ thực hiện hợp đồng lao động.
Việc này thực hiện theo quy định tại nghị định 111/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định.
Đẩy mạnh tự chủ, cơ cấu lại số người làm việc
Bên cạnh đó để vừa thực hiện mục tiêu giảm 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo nghị quyết 19 của trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, vừa bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì có giáo viên", Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần thay đổi phương thức cấp phát ngân sách theo số lượng biên chế sang đặt hàng theo quy mô học sinh phù hợp với từng bậc học, từng vùng, miền.
Trên cơ sở đó đẩy mạnh cơ chế tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập.
Từ đó tạo điều kiện cơ cấu lại số lượng người làm việc theo hướng giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính theo yêu cầu nghị quyết 75/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, bảo đảm đủ số lượng giáo viên đứng lớp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận