Bộ Nội vụ đã có trả lời ý kiến của một số tỉnh như Thái Nguyên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bắc Kạn đề nghị bổ sung biên chế giáo viên năm học 2024 - 2025.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Về nội dung này, Bộ Nội vụ nêu rõ trong giai đoạn 2022 - 2026, để bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp" và khắc phục trước mắt tình trạng thiếu giáo viên, bộ đã tham mưu, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương.
Trong đó, Thái Nguyên năm học 2022 - 2023 được bổ sung 1.157 biên chế, năm học 2023 - 2024 được bổ sung 1.092 biên chế, năm học 2024 - 2025 được bổ sung 428 biên chế.
Với Lâm Đồng, năm học 2022 - 2023 được bổ sung 44 biên chế, năm học 2023-2024 được bổ sung 209 biên chế và năm học 2024-2025 được bổ sung 102 biên chế.
Với Đắk Lắk, năm học 2024 - 2025 được bổ sung 113 biên chế. Đắk Nông năm học 2024 - 2025 được bổ sung 336 biên chế.
Bình Phước năm học 2022 - 2023 được bổ sung 198 biên chế, năm học 2023 - 2024 được bổ sung 293 biên chế, năm học 2024 - 2025 được bổ sung 152 biên chế.
Bắc Kạn năm học 2022 - 2023 được bổ sung 16 biên chế, năm học 2023 - 2024 được bổ sung 24 biên chế.
Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tuyển dụng, sử dụng hết số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao bổ sung trên.
Trường hợp đã tuyển dụng, sử dụng hết chỉ tiêu được giao mà vẫn thiếu giáo viên phục vụ giảng dạy tại các trường công lập của địa phương, đề nghị nghiên cứu triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng về bổ sung biên chế giáo viên năm học 2024 - 2025.
Và ý kiến của Bộ Nội vụ về việc thực hiện bổ sung biên chế giáo viên công lập năm học 2024- 2025.
Đề nghị không tinh giản biên chế theo hướng cào bằng
Tỉnh Đắk Lắk, Hà Giang, Hà Tĩnh, Đài tiếng nói Việt Nam đề nghị không áp dụng chính sách tinh giản biên chế theo hướng cào bằng.
Về nội dung này, Bộ Nội vụ nêu rõ tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Theo kết luận của Bộ Chính trị, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện, bảo đảm giai đoạn 2022-2026 giảm ít nhất 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 (không bao gồm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp).
Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định 72 phê duyệt biên chế công chức, biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đến hết năm 2026 đối với từng địa phương.
Quyết định 73 phê duyệt biên chế công chức, biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đến hết năm 2026 đối với từng bộ, ngành ở trung ương (trong đó có Đài tiếng nói Việt Nam).
Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị đơn vị, địa phương thực hiện đúng chủ trương của Đảng.
Riêng với biên chế sự nghiệp giáo dục, trong giai đoạn 2015-2021, các địa phương đã chủ động phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giữa các lĩnh vực trong tổng số biên chế được giao.
Bảo đảm vừa thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, vừa bố trí đủ biên chế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn.
Bộ Nội vụ cho hay kết quả thực hiện tinh giản biên chế qua tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy giai đoạn 2015-2021 biên chế sự nghiệp giáo dục hưởng lương từ ngân sách nhà nước của địa phương giảm 5,5% so với năm 2015 (thấp hơn so với tỉ lệ chung của cả nước).
Trong giai đoạn 2022-2026, để bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" và khắc phục trước mắt tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Nội vụ đã tham mưu, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương.
Đồng thời tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị định 111/2022, là giải pháp quan trọng để kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành giáo dục trong điều kiện thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu giáo viên trong điều kiện học sinh ngày càng tăng, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Bao gồm rà soát, sắp xếp lại cơ cấu trường, lớp, bảo đảm sĩ số học sinh/lớp theo quy định, phù hợp với thực tế của từng vùng, địa bàn.
Cơ cầu lại, sắp xếp hợp lý đội ngũ để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên trong một địa phương.
Thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên. Đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập ở những vùng, khu vực, lĩnh vực có điều kiện.
Từ đó, cơ cấu lại số lượng người làm việc theo hướng giảm số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách và tăng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp phù hợp với mức độ tự chủ về tài chính theo yêu cầu tại nghị quyết 75/2022 của Quốc hội.
Việc này nhằm cân đối chỉ tiêu biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước cho sự nghiệp giáo dục và thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận