Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu trả lời kiến nghị của cử tri về ban hành văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Một số đối tượng lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia "đạo lạ"
Theo đó, cử tri Lai Châu phản ảnh một số đối tượng lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân đã lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia một số "đạo lạ" hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa, chia rẽ đoàn kết dân tộc.
Việc đó không chỉ vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự xã hội.
Cũng theo cử tri, các lực lượng chức năng tại cơ sở chưa có chế tài xử lý những hành vi này, chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ cho hay sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2016, bộ đã tham mưu Chính phủ xây dựng dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Đây là cơ sở để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia hoạt động của "đạo lạ", tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định về an ninh, chính trị như cử tri quan tâm.
Đến nay, Bộ Nội vụ đã triển khai đầy đủ các bước xây dựng và hoàn thiện dự thảo; Bộ Tư pháp đã thẩm định hồ sơ dự thảo nghị định.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Nội vụ nhận được nhiều ý kiến tham gia, phản hồi về tác động xã hội và hiệu quả của việc ban hành nghị định.
Một trong các chủ thể bị xử phạt vi phạm là cá nhân tôn giáo (có chức sắc, chức việc, nhà tu hành) sẽ tạo ra dư luận không tốt trong xã hội, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ xây dựng, ban hành nghị định khác thay thế nghị định 162/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Các quy định về quyền, nghĩa vụ tại văn bản này sẽ làm cơ sở để xác định hành vi được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ Nội vụ nêu rõ để có thời gian tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động xã hội và rà soát, bổ sung, điều chỉnh các hành vi vi phạm, bảo đảm tính khả thi, bộ đang tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh thời gian ban hành nghị định xử phạt sau khi tổng kết thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Đề nghị không giảm biên chế chung 10% với tất cả các lĩnh vực
Cử tri tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu không thực hiện cắt giảm biên chế cơ học tính chung 10% đối với tất cả các lĩnh vực.
Theo cử tri, với những đơn vị sự nghiệp khác không có nguồn thu, thực hiện chức năng an sinh xã hội đề nghị cần giao đủ định mức theo nhiệm vụ, đối tượng quản lý thực tế.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ nêu rõ việc tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, cơ cấu lại đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Theo đó, yêu cầu tất cả cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện, bảo đảm giai đoạn 2022-2026 giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Tại nghị định 106/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thì UBND tỉnh quyết định giao, điều chỉnh số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với từng đơn vị trong tổng số lượng người làm việc được HĐND cấp tỉnh phê duyệt.
Do vậy, bộ đề nghị cử tri có ý kiến để UBND tỉnh Hòa Bình căn cứ chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và thực tế của các lĩnh vực sự nghiệp của địa phương để quyết định tỉ lệ tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước của từng lĩnh vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận