Dự thảo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký nêu rõ Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã quy định về việc đại biểu HĐND khi không còn sự tín nhiệm của nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm.
Thiếu thủ tục, trình tự cụ thể
Tại điều 102 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định trường hợp đại biểu HĐND không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm.
Thường trực HĐND quyết định việc bãi nhiệm hoặc theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND.
Trong trường hợp HĐND bãi nhiệm đại biểu thì phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành.
Cũng theo quy định, trong trường hợp cử tri bãi nhiệm thì được tiến hành theo trình tự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Song theo Bộ Nội vụ, trên thực tế, khi có trường hợp đại biểu HĐND vi phạm nghiêm trọng thì các địa phương thường đưa ra HĐND bãi nhiệm. Việc này đã được tiến hành đúng quy định của pháp luật, được cử tri và nhân dân đồng tình.
Trong khi đó, việc cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND chưa thực hiện được do chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành.
Vì vậy, việc ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND là cần thiết, làm cơ sở triển khai thực hiện trên thực tế và phù hợp với quy định của Hiến pháp và của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo nghị quyết được xây dựng gồm 6 chương, 29 điều. Trong đó, quy định rõ nguyên tắc tổ chức cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND.
Theo đó, việc bỏ phiếu được tiến hành ở nơi đại biểu được bầu hoặc ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu đã chuyển đến sinh hoạt, được tổ chức vào ngày chủ nhật theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Cuộc bỏ phiếu hợp lệ khi có quá nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bỏ phiếu bãi nhiệm. Cơ quan có thẩm quyền đề nghị cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đưa ra cử tri bãi nhiệm là thường trực HĐND cùng cấp. Ban pháp chế của HĐND trình thường trực HĐND cùng cấp xem xét, ban hành nghị quyết về việc đưa ra cử tri bãi nhiệm…
Hai phương án bãi nhiệm
Dự thảo nghị quyết cũng quy định các trường hợp đặc biệt khi thành lập tổ công tác bãi nhiệm ở huyện không tổ chức đơn vị hành chính xã, ở phường không tổ chức HĐND và ở đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng.
Hội nghị cử tri sẽ được tổ chức chậm nhất 15 ngày trước bỏ phiếu để thông báo và trao đổi, thảo luận về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND. Người bị đề nghị bãi nhiệm có thể tham dự và trình bày ý kiến, trừ trường hợp đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Đại biểu bị đưa ra cử tri bãi nhiệm chấm dứt nhiệm vụ kể từ thời điểm nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu bãi nhiệm có hiệu lực thi hành.
Trong dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ cũng xin ý kiến Chính phủ về hai phương án. Cụ thể:
Phương án 1: Đại biểu HĐND bị bãi nhiệm khi có ít nhất hai phần ba tổng số phiếu hợp lệ của cử tri ở đơn vị bãi nhiệm đồng ý bãi nhiệm.
Phương án 2: Đại biểu HĐND bị bãi nhiệm khi có quá nửa tổng số phiếu hợp lệ của cử tri ở đơn vị bãi nhiệm đồng ý bãi nhiệm.
Theo Bộ Nội vụ, căn cứ việc đại biểu HĐND bị HĐND bãi nhiệm khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đồng thời, do việc bãi nhiệm đại biểu HĐND là vấn đề hệ trọng liên quan đến quyền và trách nhiệm của đại biểu HĐND được tiến hành tại đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu hoặc nơi đại biểu đến sinh hoạt. Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị lựa chọn phương án 1.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận