Bộ Nội vụ cho biết đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 138/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Dự kiến tiêu chuẩn, điều kiện mới luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý
Đáng chú ý là dự thảo đã sửa đổi quy định về tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý.
Theo đó, công chức luân chuyển phải có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác và triển vọng phát triển; đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức vụ đảm nhiệm khi luân chuyển.
Còn ít nhất 10 năm công tác tính từ thời điểm luân chuyển; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.
Dự thảo quy định đối với công chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển để thực hiện quy định không được bố trí người địa phương và để thực hiện quy định không được giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý quá thời hạn của 2 lần bổ nhiệm liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải còn đủ thời gian công tác theo thời hạn bổ nhiệm.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành yêu cầu phải còn đủ thời gian công tác ít nhất một nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, cán bộ cấp xã được luân chuyển làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không yêu cầu phải có đủ thời gian công tác tối thiểu 5 năm trở lên. Nghị định 138/2020 hiện hành không quy định nội dung này.
Dự thảo của Bộ Nội vụ cũng sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện luân chuyển, kế hoạch luân chuyển, việc nhận xét, đánh giá đối với cán bộ luân chuyển.
Về bố trí công chức sau luân chuyển, dự thảo cũng có sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, việc xem xét bố trí, phân công công chức sau luân chuyển phải căn cứ yêu cầu công tác cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, kết quả công tác, năng lực, sở trường của công chức luân chuyển gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả nhận xét, đánh giá của cấp có thẩm quyền.
Trường hợp công chức luân chuyển được cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục bố trí ổn định công tác ở địa phương, cơ quan nơi đến thì không còn xem là công chức luân chuyển theo quy định.
Khi nào thực hiện biệt phái công chức?
Một nội dung khác là dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan biệt phái công chức. Cụ thể, các trường hợp biệt phái gồm theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách; hoặc để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.
Thời gian biệt phái công chức không quá 3 năm, trừ trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Khi hết thời gian biệt phái thì cơ quan, đơn vị nơi cử công chức đi biệt phái phải xem xét, quyết định việc kết thúc hoặc gia hạn thời gian biệt phái đối với công chức. Đây là quy định mới so với quy định hiện hành.
Việc biệt phái công chức phải căn cứ vào yêu cầu công tác, phẩm chất, năng lực, sở trường và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công chức.
Dự thảo cũng nêu rõ việc này phải được ban thường vụ cấp ủy cùng cấp hoặc cấp ủy cùng cấp của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi biệt phái xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định.
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định việc biệt phái công chức thuộc thẩm quyền quản lý…
Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi nghị định số 06/2023 về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ cho phép bãi bỏ quy định "kể từ ngày 1-8-2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định".
Đồng thời bổ sung quy định cho phép thí sinh dự thi nếu đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức còn trong thời hạn thì không phải dự thi vòng 1.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận