
Theo đề xuất của dự luật, cán bộ, công chức được hưởng tiền lương, tiền thưởng theo vị trí việc làm đảm nhận - Ảnh: TỰ TRUNG
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký tờ trình dự Luật Cán bộ, công chức sửa đổi gửi Chính phủ. Dự luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây.
Đề xuất mới về thời hạn sắp xếp, tinh giản, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
Tại tờ trình mới nhất, Bộ Nội vụ tiếp tục nêu rõ việc đề xuất sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ trung ương đến cấp xã.
Theo đó, dự luật lược bỏ các quy định trong luật hiện hành về cán bộ, công chức cấp xã; thẩm quyền quản lý công chức của UBND huyện tại luật hiện hành.
Việc quản lý cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện theo quy định chung về cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã.
Cụ thể, dự luật quy định về phân loại công chức theo phạm vi hoạt động gồm công chức làm việc ở các cơ quan trung ương; công chức làm việc ở các cơ quan cấp tỉnh; công chức làm việc ở các cơ quan cấp xã.
Đáng chú ý, tại điều khoản chuyển tiếp của dự luật mới nhất đã có điều chỉnh so với dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Dự thảo mới nhất Bộ Nội vụ đề xuất kể từ ngày luật này có hiệu lực, cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định tại luật này được giữ nguyên số lượng cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm theo quy định mới.
Được bảo lưu mức tiền lương hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ.
Trong thời hạn 3 năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải sắp xếp, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Việc chuyển tiếp đối với đội ngũ này thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Còn tại dự thảo ngày 3-4 trình Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Nội vụ đề xuất kể từ ngày luật này có hiệu lực, cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019) được giữ nguyên số lượng biên chế cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm của chính quyền địa phương.
Được bảo lưu mức tiền lương hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ.
Trong thời hạn 5 năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải sắp xếp, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Như vậy, dự thảo mới nhất đã nêu rõ hơn việc cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày luật có hiệu lực thi hành sẽ được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định tại luật mới.
Đồng thời, thời hạn sắp xếp, tinh giản, cơ cấu lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt với cán bộ, công chức cấp xã cũng được rút ngắn từ đề xuất 5 năm xuống đề xuất còn 3 năm.
Hết năm 2024, cả nước có khoảng 7,6% cán bộ, công chức cấp xã không đạt tiêu chuẩn
Một nội dung khác, tại tờ trình dự luật của Bộ Nội vụ cũng nêu rõ liên quan đến quy định tại luật này sẽ phát sinh những khoản kinh phí và nguồn kinh phí.
Trong đó, dự kiến có kinh phí giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã không đạt yêu cầu của vị trí việc làm.
Dự kiến nguồn kinh phí chi từ nguồn ngân sách nhà nước khoảng 15.000 tỉ đồng đã được tính toán, bố trí trong kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Cũng theo số liệu của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 31-12-2024, số lượng cán bộ, công chức cấp xã là 212.606 người (có 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên).
Trong đó có khoảng 7,6% không đạt tiêu chuẩn và sẽ được giải quyết chính sách theo quy định của Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận