04/07/2019 09:00 GMT+7

Bộ Ngoại giao xin cơ chế cứu trụ sở 4.000 tỉ chậm tiến độ

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Sau 10 năm thi công ì ạch không xong trụ sở nghìn tỉ, Bộ Ngoại giao bất ngờ xin cơ chế đặc thù để cứu trụ sở hơn 4.000 tỉ dở dang vì đội vốn.

Bộ Ngoại giao xin cơ chế cứu trụ sở 4.000 tỉ chậm tiến độ - Ảnh 1.

Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao được xây dựng tại khu vực Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội - Ảnh: ĐT

Cơ chế đặc thù để xây dựng tiếp hiện đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao do Ban quản lý dự án - Bộ Ngoại giao làm chủ đầu tư, được phê duyệt từ tháng 7-2009 với tổng vốn 3.484 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng vốn lên 4.022,7 tỉ đồng.

Với tổng vốn đầu tư nhiều nghìn tỉ đồng, công trình xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao là cấp công trình đặc biệt.

Quy mô xây dựng trụ sở hoành tráng với 14 tầng nổi, 1 tầng hầm, có sân đỗ trực thăng, diện tích xây dựng 16.282m2, không bao gồm diện tích ngoài trời như khu vực để xe, thảm cỏ, khu thể thao giải trí và đường giao thông nội bộ.

Do thiếu vốn đầu tư nên từ năm 2017 nhiều gói thầu thuộc dự án xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao đã được Kiểm toán Nhà nước xác định chậm tiến độ như gói thầu TB-10, gói thầu TB-13, gói thầu TB-06, gói thầu TB-12, gói thầu XL-07, gói thầu XL-10, gói thầu XL-09…

Bộ Ngoại giao xin cơ chế cứu trụ sở 4.000 tỉ chậm tiến độ - Ảnh 2.

Dự án xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao chưa xong giai đoạn 1 đã đội vốn khoảng 666 tỉ đồng - Ảnh: ĐT

Cho ý kiến về cơ chế đặc thù xây dựng tiếp trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng cho rằng cơ chế này mới chỉ xử lý tình huống, chưa giải quyết triệt để các vướng mắc dự án.

Đồng thời, nếu áp dụng một cách cứng nhắc các cơ chế này cho toàn bộ các hợp đồng thì sẽ dẫn đến bất cập trong quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, gây lãng phí, thất thoát tài sản, giảm hiệu quả đầu tư. Do đó, cần xem xét cụ thể từng trường hợp của hợp đồng để có giải pháp phù hợp.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng việc quyết toán các gói thầu thi công dở dang không phù hợp với quy định pháp luật. 

Việc chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu đơn phương chấm dứt hợp đồng tại dự án cũng không đơn giản vì sẽ khó phân định trách nhiệm bảo hành, bảo trì công trình xây dựng dở dang.

Việc đổi nhà thầu thi công dự án dẫn tới phải tổ chức lựa chọn lại nhà thầu mới sẽ kéo dài tiến độ, làm tăng chi phí đầu tư.

Theo Bộ Xây dựng, để gỡ vướng cho trụ sở nghìn tỉ dở dang, Ban quản lý dự án - Bộ Ngoại giao cần xác định lại kế hoạch tổng thể triển khai tiếp dự án, và tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư trung hạn để thực hiện phần còn lại của dự án.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0