Người biểu tình mang theo cờ Việt Nam phản đối hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc trước cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, thủ đô Manila ngày 25-2 - Ảnh: Reuters |
Liên quan đến thông tin Trung Quốc điều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và đặt hệ thống rađa ở một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình một lần nữa nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi.
Ông Bình cho biết bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Ông Bình cho biết thêm rằng bất cứ vấn đề nào ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông sẽ được nêu ra tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở thủ đô Vientiane (Lào) trong hai ngày 26 và 27-2.
Theo ông Bình, các diễn biến gần đây đã cho thấy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông đang thật sự bị đe dọa.
Báo giới nước ngoài cũng đặc biệt quan tâm đến những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Đại diện Hãng thông tấn Đức DPA đặt câu hỏi: những hành động leo thang căng thẳng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông như triển khai hệ thống tên lửa và máy bay chiến đấu có khác gì so với những hành động leo thang căng thẳng trước đây của nước này hay không, có nghiêm trọng hơn không?
Đáp lại, ông Lê Hải Bình nói những diễn biến gần đây ở khu vực, đặc biệt là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho thấy nguyên trạng ở Biển Đông đang bị phá vỡ, và đặc biệt đáng lo ngại hơn, đó là tình trạng quân sự hóa ở Biển Đông.
Ông Lê Hải Bình cho rằng việc phá vỡ nguyên trạng và quân sự hóa là hai diễn biến hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh hàng hải và hàng không trong khu vực.
Đại diện Đài truyền hình Phố Bolsa TV ở California (Mỹ) đặt câu hỏi: nếu có lời đề nghị từ phía Mỹ về việc tham gia tuần tra chung ở Biển Đông, Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào?
Liên quan đến câu hỏi này, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam đã, đang và sẽ tiến hành các hoạt động bình thường của mình ở các khu vực trên phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và chúng tôi cũng khẳng định các hoạt động này của các cơ quan chức năng Việt Nam đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới”.
Liên quan đến câu hỏi, cũng từ Phố Bolsa TV, liệu chính sách không liên minh với nước này để chống lại nước khác có cản trở Việt Nam tham gia các hoạt động tuần tra chung như vậy hay không, ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ quan điểm tôn trọng quyền đi lại vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định liên quan đến luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Đồng thời Việt Nam cũng đã đề nghị các nước đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận