Ngày 26-4, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trao đổi thông tin và ký kết quy chế phối hợp giữa hai bên.
Nhấn mạnh việc giữ và mở rộng hợp tác với các nước trên cơ sở đa phương rất quan trọng nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết TP.HCM là nơi duy nhất được Bộ Ngoại giao đặt cơ quan chuyên môn là Sở Ngoại vụ. Đây vừa là cơ quan trung ương đóng trên địa bàn vừa phục vụ cho lãnh đạo thành phố.
Đề xuất hai bên cùng nhau xây dựng chiến lược đối ngoại cho TP.HCM, theo bộ trưởng, như vậy thành phố sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng chiến lược đối ngoại, đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Khẳng định tầm quan trọng của các nguồn lực từ bên ngoài, ông Sơn cho biết Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ TP.HCM trên đường trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Bộ Ngoại giao sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ TP.HCM xây dựng, mở rộng mạng lưới quan hệ với các địa phương, đối tác quan trọng. Đồng thời hỗ trợ các hoạt động, giúp thành phố thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế cũng như chiến lược xây dựng thương hiệu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh ngoại giao hỗ trợ rất lớn sự phát triển của thành phố. Do đó, sự phối hợp giữa thành phố và Bộ Ngoại giao là "sứ mệnh" để giúp đất nước phát triển.
Việc ký kết quy chế phối hợp thể hiện sự quan tâm, ý thức trách nhiệm của Bộ Ngoại giao đối với sự phát triển của thành phố.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị cần thường xuyên sơ kết rút kinh nghiệm để bổ sung, nâng cao chương trình hợp tác chất lượng, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Chiều 25-4, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã có buổi làm việc với Sở Ngoại vụ TP.HCM.
Tại buổi làm việc, ông Sơn đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể Sở Ngoại vụ trong thời gian qua. Đồng thời chỉ đạo Sở Ngoại vụ tiếp tục nỗ lực triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch đối ngoại của bộ và TP.HCM trong giai đoạn tới, đặc biệt công tác ngoại giao kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận