Một khu chợ đêm thu hút nhiều du khách ở đường Raohe, thành phố Đài Bắc - Ảnh: REUTERS
Theo thông cáo, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Văn phòng Kinh tế - văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã liên hệ với các cơ quan chức năng của đề nghị cung cấp thông tin, làm rõ vụ việc và phối hợp giải quyết, không để ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và giao lưu của người dân.
Đài Loan vẫn ráo riết điều tra
Theo Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng của Đài Loan cho biết hiện đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc. Trước mắt, Đài Loan dự kiến tạm dừng việc cấp thị thực đoàn đối với Công ty lữ hành International Holidays Trading Travel do đã để xảy ra tình trạng trên.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã đề nghị Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan trong nước phối hợp xử lý vụ việc.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ngày 25-12, Hãng thông tấn CNA của Đài Loan dẫn thông tin từ Cục Du lịch Đài Loan cho biết 152 du khách Việt Nam nhập cảnh vào vùng lãnh thổ này tuần trước hiện 'chưa rõ tung tích'. Đây được xem là trường hợp khách du lịch 'mất tích' lớn nhất tại Đài Loan.
152 hành khách này "mất tích" sau khi nhập cảnh ở Cao Hùng vào ngày 21-12 và 23-12, CNA dẫn lời bà Trịnh Anh Huệ (Cheng Ying-huei), giám đốc ban đối ngoại Cục Du lịch Đài Loan, cho hay.
Theo CNA, lịch trình tham quan Đài Loan của các du khách này do Công ty Việt Nam International Holidays Trading Travel sắp xếp.
Được biết, chính quyền Đài Loan đã lập đội đặc nhiệm truy tìm các du khách này.
Trốn để ở lại làm việc?
Thông tin 152 người Việt bỏ trốn tại Cao Hùng (Đài Loan) đã gây xôn xao cho người dân tại đây. Phóng viên Thảo Tâm của báo Tuổi Trẻ đang có mặt tại TP Cao Hùng ghi nhận ý kiến của người dân.
Ông Thi Chí Tùng - hướng dẫn viên du lịch sống tại TP Cao Hùng, Đài Loan - chia sẻ: "Lần đầu tiên có người Việt bỏ trốn nhiều như vậy. Chúng tôi trước đây có nghe sự việc rải rác 1-2 người Việt trốn ở lại để lao động thôi chứ đến 152 người thì khủng khiếp quá".
"Tôi nghĩ nếu nhiều như vậy thì có thể họ sẽ đi lao động không hợp pháp, như đi lên núi hái chè, đi vào nhà máy, xưởng làm việc. Tức là chủ của những nơi đây không tuyển lao động được sẽ tuyển những người Việt này".
Một nhân viên nhà hàng khách sạn của Hội quán quốc tế Liên Đàm (khu Tả Doanh, TP Cao Hùng) cũng nói với phóng viên Tuổi Trẻ: "Đúng là 152 người thì quá nhiều. Chắc họ đã bỏ số tiền khá lớn và có tính toán, đường dây trước".
Ông Tiết Vĩnh Hoà - chủ nhiệm của Trường THPT nghề hàng hải thủy sản Bành Hồ (huyện đảo Bành Hồ, Đài Loan) - thì cho rằng "họ trốn để ở lại Đài Loan làm việc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận