Ngày 26-10, Trường đại học Cửu Long phối hợp cùng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo khoa học "Thúc đẩy phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp ứng dụng cho Đồng bằng sông Cửu Long và vùng phụ cận".
Tận dụng phế phụ phẩm thủy sản còn rất thấp
Đề tài nhóm nghiên cứu của TS Bùi Thị Hiền - Viện Nghiên cứu hải sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho thấy sau khi chế biến thủy hải sản, nguồn phế phụ phẩm để chế biến thành các sản phẩm giá trị gia tăng khác như bột cá, mỡ cá, collagen, gelatin từ da cá, phân sinh học từ ruột cá… chiếm tỉ trọng rất thấp.
Các mặt hàng cá, tôm, mực đa số được xử lý sơ bộ hoặc chế biến thô; tập trung chủ yếu hàng tươi sống, đông lạnh, khô. Các sản phẩm công nghệ cao, chế biến tinh, qua chế biến còn rất hạn chế về số lượng, chủng loại.
Đặc biệt, các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng hoặc sản phẩm chứa các hoạt chất đặc biệt chưa phổ biến trên thị trường. Công nghệ chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ các nguyên liệu thủy sản còn rất hạn chế, chưa cao.
Nhóm nghiên cứu đề xuất cần điều chỉnh công nghệ để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm giá trị gia tăng. Xây dựng các đề án phát triển, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất các chế phẩm giá trị gia tăng cho các ngành thực phẩm như colagen, chitin, chitosan, glucosamin, canxi hoạt tính, bột cá, dầu cá, bột đạm thủy phân, các chất có hoạt tính sinh học cao…
Gắn theo chuỗi sản phẩm chủ lực quốc gia như tôm, cá tra, cá ngừ, cá basa, cá rô phi... Huy động doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo kết nối sản xuất, chế biến với thị trường.
Chưa khai thác hết tiềm năng khoai lang - "cây của người nghèo"
Theo PGS.TS Hoàng Thị Lệ Hằng - Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), trước kia khoai lang được coi là "cây của người nghèo", nhưng nay loại nông sản này được coi là "cây vua năng lượng".
Tổ chức FAO của Liên Hiệp Quốc đã đánh giá khoai lang là nông sản bổ dưỡng tốt nhất của thế kỷ 21, giá trị dinh dưỡng vượt trội so với hầu hết các loại lương thực.
Việt Nam có 86.000ha, sản lượng đạt gần 970.000 tấn. Năng suất khoai lang cao nhất được ghi nhận tại Đồng bằng sông Cửu Long, với 25 tấn/ha, cao gấp đôi khu vực miền Bắc.
Trong khi công nghệ chế biến khoai chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ăn tươi, khoai lang mới chỉ được chế biến dưới dạng sấy, chiên. Quy mô còn nhỏ lẻ, kỹ thuật thủ công nên chưa khai thác hết lợi ích, giá trị.
Bà Hằng cho rằng cần xây dựng được quy trình sản xuất sạch, xây dựng công nghệ hiện đại trong thu hoạch, sơ chế, bảo quản khoai lang tím tươi. Xây dựng quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị chế biến sản phẩm nước uống lên men lactic, bột dinh dưỡng và rượu vang giàu anthocyanin từ củ khoai lang tím Nhật Bản.
"Việc phát triển các sản phẩm từ củ khoai lang sẽ hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao. Tạo các dòng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tăng nguồn thu thuế quốc gia, tạo công ăn việc làm bền vững cho người lao động", bà Hằng nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận