25/04/2018 09:35 GMT+7

Bỏ nghề báo để startup với văn hóa Tây Tạng

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Bỏ nghề là quyết định vô cùng khó khăn, nhưng Nguyễn Mạnh Duy, một nhà báo có gần 10 năm kinh nghiệm, đã quyết định startup, mang văn hóa Tây Tạng đến Việt Nam.

Bỏ nghề báo để startup với văn hóa Tây Tạng - Ảnh 1.

Những chuyến đi khiến gắn bó hơn với vùng núi phủ tuyết - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chuyến đi đầu năm 2014 tưởng như chỉ để thỏa chí tang bồng của một kẻ cầm bút mê xê dịch lại trở thành định mệnh với .

Sau gần 5 năm với hơn 20 chuyến đi Nepal, hàng chục chuyến đi , Ấn Độ, Bhutan, Duy xây dựng thành công những không gian văn hóa Tây Tạng mang tên Himalayas Vietnam ở Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng. Duy tự hào: "Mình giờ rất giàu có, giàu ở những hành trình và kiến thức về vùng đất nóc nhà thế giới".

Từ "ngã rẽ bản năng"

Nguyễn Mạnh Duy sinh năm 1985 tại Hà Nội, và xuất thân là sinh viên báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từ khi còn đi học, chàng trai Hà thành thể hiện tố chất làm báo khi sớm cộng tác với nhiều tờ báo lớn. Ra trường, Duy theo dõi lĩnh vực chính là thể thao.

Thế nhưng trong con người anh là "chủ nghĩa xê dịch", Duy không chỉ làm thể thao, mà còn tham gia nhiều đề tài chính trị xã hội, đời sống dân sinh. Duy thích đi, đi nhiều nơi, từ miền núi đến hải đảo, ra nước ngoài.

Năm 2014, Mạnh Duy và ba người bạn thực hiện hành trình 30 ngày chinh phục Tây Tạng. Duy muốn đứng ở dưới chân Everest, đứng trên những đỉnh đèo lộng gió bay phấp phới cờ nguyện để nghĩ về nghề và về cuộc sống, trước khi chính thức ở tuổi 30. Nhưng Tây Tạng đã mách bảo Duy cần phải bước vào một hành trình mới.

Bỏ nghề báo để startup với văn hóa Tây Tạng - Ảnh 2.

Mạnh Duy tại Everest Base Camp (Nepal) năm 2015 - Ảnh do nhân vật cung cấp

"30 ngày ở Tây Tạng, những gam màu văn hóa và tinh thần cùng cuộc sống nơi đây ghi vào não trạng tôi những ấn tượng vô thức. Những ấn tượng ấy có thể đã hằn sẵn trong đầu tôi từ bao giờ. Tôi cảm thấy sốt ruột nếu như không bắt đầu một công việc gì đó liên quan tới Tây Tạng" - Duy nhớ lại.

Chỉ 4 tháng sau khi trở về Việt Nam, tháng 8-2014, Duy quyết định quay lại Nepal - "trạm chung chuyển" đưa anh vào Tây Tạng bằng một hành trình đường bộ vài tháng trước. Anh lý giải: "Tôi nghĩ Nepal là nơi hợp lý để bắt tay vào một ý tưởng cụ thể. Nếu Tây Tạng ghi vào trong kí ức cũng như tiềm thức của tôi một không gian, một ngôi nhà, Nepal là nơi tôi tìm kiếm được những vật liệu để dựng lên ngôi nhà ấy".

Chỉ 2 tháng sau chuyến trở lại Nepal, Duy cùng hai người bạn dựng lên một "ngôi nhà" thực sự. Ngôi nhà ấy được Duy đặt tên là Himalayas Vietnam.

Những dự án ‘không giống ai’

Sau khi lập "ngôi nhà" Himalayas Vietnam đầu tiên ở Hà Nội, hoạt động của Duy còn khá đơn giản - mang sản phẩm của các nước Nepal, Tây Tạng, Ấn Độ, Bhutan về phục vụ cho những người đi theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Bỏ nghề báo để startup với văn hóa Tây Tạng - Ảnh 3.

Nhưng 8 tháng sau, ngôi nhà Himlayas thứ 2 được ra đời ở Hải Phòng. Người ta đã thấy Duy có lý khi nói về một "ngôi nhà lớn" chứa những câu chuyện văn hóa Tây Tạng. Anh bắt đầu tăng tốc với những dự án nối tiếp làm về văn hóa Tây Tạng với tiêu chí: kết hợp kinh doanh với... rong chơi. Hàng tuần, anh nói chuyện với những người đam mê xê dịch về vùng đất nóc nhà thế giới.

Duy kể: "Nhiều bạn ước mơ được đặt chân đến Everest Base Camp một lần trong đời, nhiều người khác lại muốn được đến nơi Đức Phật đản sinh, nhưng không phải ai cũng có đầy đủ thông tin. Tôi muốn tạo hoạt động để tạo ra cộng đồng những người yêu văn hóa Himalaya".

Tháng 8-2016, gã nhà báo yêu Tây Tạng bắt đầu cho một dự án đột phá: xây dựng ngôi nhà Himalayas thứ 4 ở TP.HCM. Duy bộc bạch: "Con đường tạo ra những không gian vừa kết hợp kinh doanh với xây dựng một cộng đồng văn hóa mà tôi lựa chọn cũng gặp rất nhiều trắc trở. Lúc đầu là xác định cần phải làm gì vừa ý nghĩa, và lại vừa phải hiệu quả để có nguồn lực nuôi ý tưởng.

Có những lúc chúng tôi phải bỏ tiền túi ra để chăm lo và nuôi nấng ngôi nhà qua những ngày đầu còn non nớt và chưa được mọi người đón nhận. Ngay cả đến lúc quyết định sẽ làm ngôi nhà Himlayas ở Sài Gòn, tôi vẫn còn run lắm. Tôi xác định, phải làm được điều gì đó mới và đột phá ở Sài Gòn".

Bỏ nghề báo để startup với văn hóa Tây Tạng - Ảnh 4.

Mạnh Duy xây dựng trung tâm trị liệu bằng chuông xoay Tây Tạng tại TP.HCM - Ảnh do nhân vật cung cấp

Anh lựa chọn cho Himalayas Sài Gòn mô hình tích hợp mới: trung tâm thiền - trị liệu chuông xoay Tây Tạng Om Healing. Anh mở thêm công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trị liệu bằng phương pháp sử dụng chuông xoay Tây Tạng, giúp giảm stress, căng thẳng, mất ngủ và đạt trạng thái cân bằng trong tâm lý, cảm xúc, từ đó đạt được thăng bằng trong cuộc sống.

Với ngôi nhà này, Nguyễn Mạnh Duy chuyển hẳn vào sống ở TP.HCM. Anh nhận thấy người Sài Gòn, không cứ là những người đi theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng hay yêu thích văn hóa của vùng núi tuyết Himalaya, tìm đến, mà rất nhiều người muốn có một cuộc sống cân bằng hơn, vui sống hơn, khỏe mạnh hơn tìm đến với trung tâm trị liệu bằng chuông xoay.

Bỏ nghề báo để startup với văn hóa Tây Tạng - Ảnh 5.

Không gian Himalayas tại TP.HCM - Ảnh: MẠNH DUY

Gần đây, Mạnh Duy khai trương dự án mới mang tên ZI Bazaar - không gian văn hóa Con đường tơ lụa. Zi Bazzar có hệ thống cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM, kinh doanh các vật phẩm trên Con đường tơ lụa cổ đại với các mặt hàng thảm Ba Tư, khăn Pashmina, nhụy hoa nghệ tây...

Để thực hiện dự án này, anh đã đi dọc Con đường tơ lụa nối từ phương đông huyền bí sang phương tây văn minh hàng tháng trời, từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan… Mùa thu năm nay, Duy sẽ lên đường đi Con đường Tơ lụa 65 ngày để nối dài hành trình Himalayas của mình.

Sau dự án Startup về văn hóa Tây Tạng, mục tiêu kinh doanh tiếp theo của Duy là đưa văn hóa Trung Đông đến VN. Đây hứa hẹn cũng là dự án thú vị nhưng cũng đầy mạo hiểm trên con đường khởi nghiệp.

Trả ơn vùng đất ấy

Cuối tháng 4-2015, khi trận động đất khiến hàng ngàn người thiệt mạng ở Nepal, Duy đã lập một chiến dịch kêu gọi ủng hộ và quyên góp được gần 10.000 USD. "Tôi không chỉ phải làm việc đó, mà tôi còn cần mang số tiền đó sang tận nơi để trợ giúp mảnh đất mà tôi luôn coi là quê hương thứ hai", anh nói.

Duy đi bộ vào vùng tâm chấn và cùng với các thầy, du học sinh Việt Nam, người Việt Nam sống tại Nepal, tận tay mang nhu yếu phẩm để người Nepal được an ủi sau thiệt hại kinh hoàng mà trận động đất gây ra.

chọn và đi

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Chọn và đi"

Sau tọa đàm "Có niềm tin, có sức mạnh" do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 24-3, nhiều bạn đọc đã phản hồi thể hiện sự quan tâm, mong muốn duy trì tuyến nội dung và tọa đàm ý nghĩa này.

Từ ngày 17-4, báo Tuổi Trẻ khởi đăng tuyến bài 3 kỳ với chủ đề "Chọn và đi" trên nhật báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online, đăng tải các quan điểm, câu chuyện, tấm gương chân thật đã tin vào chính mình, tin vào con đường mình chọn và bước đi, dù vấp ngã nhưng đứng lên kiên cường, sức mạnh niềm tin được tạo nên từ chính bản thân.

Để diễn đàn diễn tiếp tục lan tỏa hiệu quả, báo Tuổi Trẻ mong nhận được ý kiến, đóng góp, câu chuyện từ bạn đọc về giá trị của "Chọn và đi", cụ thể là chọn tin vào chính mình, đi trên con đường mình đã chọn để thành công.

Bài viết bạn đọc gửi về sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ Online và có nhuận bút.

Các ý kiến chia sẻ vui lòng gửi về: [email protected].

Dự kiến đầu tháng 5, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề này tại Phú Quốc (Kiên Giang). Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả, bạn trẻ khởi nghiệp, nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội...

Tâm Bùi:

TTO - Hành trình kể chuyện của Tâm bắt đầu muộn hơn người khác, nhưng anh đã chứng minh chẳng có gì là quá muộn nếu bạn quyết tâm muốn thay đổi.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên