Chi nhánh Trung tâm hỗ trợ nông dân - nông thôn miền Trung và Tây Nguyên xuống cấp, vắng vẻ - Ảnh: DUY THANH
Đó là ý kiến của ông Trịnh Xuân Lâm (chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hóa) liên quan việc nhiều bộ, ngành, cơ quan đoàn thể đang "sở hữu" những nhà khách, nhà nghỉ ở những khu đất đắc địa tại nhiều địa phương nhưng lại sử dụng lãng phí.
Theo ông Lâm, hệ thống nhà khách, khách sạn và trung tâm nghỉ dưỡng của các bộ, ngành được xây dựng từ lâu, dường như đã thực hiện xong nhiệm vụ chăm sóc, tái tạo sức lao động của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bộ, ngành nhiều năm qua.
Những năm trước đây, khi các cơ sở lưu trú du lịch, nghỉ dưỡng chưa phát triển, sự ra đời của hệ thống này rất cần thiết. Nhưng nay hệ thống hạ tầng du lịch đã phát triển, các cơ sở lưu trú đủ loại từ nhà nghỉ, khách sạn, đến những khu resort hiện đại, đẳng cấp được đầu tư tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thì hệ thống nhà khách "quốc doanh" trở nên lỗi thời, lạc hậu và nhiều nơi không đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng của chính cán bộ, công chức ngành.
Trong khi để duy trì một hệ thống nhà khách, khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng này, các bộ, ngành, cơ quan trung ương phải trả lương cho một bộ máy, đôi chỗ không kém phần cồng kềnh, tốn kém.
Trong thực tế, không ít cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng của bộ, ngành, cơ quan trung ương đang "hụt hơi" trong cuộc cạnh tranh với các cơ sở lưu trú của tư nhân được đầu tư mạnh mẽ, với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng đa dạng của mọi người dân.
Sự "hụt hơi" trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên thực trạng hệ thống này đã quá cũ kỹ, không được đầu tư nâng cấp trong nhiều năm. Một số cơ sở nhà khách "quốc doanh" còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách bộ, ngành, không có động lực thay đổi.
Ông Trịnh Xuân Lâm - Ảnh: B.N
Với vị thế trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương, hầu hết các cơ sở nhà khách "quốc doanh" được xây dựng trên những vị trí đất vàng, đất đẹp tại các đô thị du lịch nên dù hệ thống tài sản trên đất khá cũ nát thì giá trị đất đai vẫn rất lớn. Nếu để chúng không hiệu quả, thậm chí có nơi gần như bỏ không là rất lãng phí.
Vì không được nâng cấp, cải tạo nên hệ thống nhà khách "quốc doanh" cũng đã đánh mất luôn lợi thế kinh doanh của các khu đất vàng. Hơn nữa, hầu hết hệ thống này đang được miễn tiền sử dụng đất để tạo điều kiện chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từng ngành.
Thực tế trên cho thấy hệ thống cơ sở nhà khách, khách sạn, khu nghỉ dưỡng "quốc doanh" không những hoạt động không hiệu quả, đánh mất lợi thế kinh doanh mà còn gây tốn kém cho ngân sách khi phải trả lương cho một bộ máy vận hành.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã và đang hướng tới xây dựng một nhà nước kiến tạo phát triển, nhà nước không làm thay công việc của thị trường, khuyến khích tư nhân cung cấp dịch vụ công và từng bước xã hội hóa dịch vụ công về y tế, giáo dục...
Cung ứng dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công chức, viên chức là công việc tư nhân có thể làm và làm tốt. Thực tế nhiều bệnh viện, trường tư cũng đang cho thấy sự vượt trội so với một số bệnh viện, trường công. Vì vậy, không có lý do gì để các bộ, ngành, cơ quan trung ương giữ lại hệ thống nhà khách "quốc doanh", nó đã hoàn thành sứ mệnh trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Đã đến lúc cần đẩy mạnh xã hội hóa hệ thống nhà khách, khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng của bộ, ngành, cơ quan trung ương theo hướng tạo cơ chế hợp tác kinh doanh giữa bộ, ngành với tư nhân, khuyến khích tư nhân bỏ vốn đầu tư mới hoặc cải tạo nâng cấp. Như vậy vừa đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng cao của công chức bộ, ngành, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch.
Trong một số trường hợp có thể đấu giá các cơ sở nhà khách "quốc doanh" để tăng thu ngân sách. Muốn vậy, cần có kế hoạch cổ phần hóa, đấu giá các cơ sở để kích thích đầu tư trong lĩnh vực du lịch của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Quá trình xã hội hóa các cơ sở nhà khách "quốc doanh" cũng tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các cơ sở lưu trú. Sau khi xã hội hóa tất cả mọi cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng dù thuộc bộ ngành hay không thuộc đều phải đóng các loại thuế, phí dựa theo doanh thu kinh doanh như nhau, góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương.
Mặt khác, các bộ, ngành, cơ quan trung ương cũng bớt được gánh nặng trả lương cho bộ máy vận hành nhà khách, khách sạn.
Từ lâu Chính phủ đã chủ trương chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có hệ thống nhà khách "quốc doanh", thành công ty cổ phần. Nhưng muốn thúc đẩy quá trình này rất cần một cơ chế cụ thể để tránh thất thoát tài sản công trong quá trình chuyển đổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận