Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương bên các mẫu xe tự lái do Panasonic phát triển - Ảnh: NVCC
Tháng 4 vừa qua, tiến sĩ Nguyễn Văn Dương - giám đốc điều hành ngành ADAS (tính năng thông minh cho xe hơi) của Panasonic châu Âu - được phong tặng danh hiệu thành viên cấp cao của Hội đồng Tiêu chuẩn IEEE, đơn vị thiết lập chuẩn ISO.
Đây là danh hiệu cao quý của giới học thuật về công nghệ, dành cho những giáo sư và nhà nghiên cứu hàng đầu có các đóng góp nổi bật cho thế giới. Dương, sinh năm 1984, ở TP.HCM, còn là thành viên Hội đồng Nghiên cứu châu Âu - đơn vị chuyên thiết lập các tiêu chuẩn ngành xe hơi của Liên minh châu Âu.
Đam mê xe tự lái
Vào những năm 2008, khi khái niệm về xe tự lái vẫn còn rất xa lạ trên thế giới, Dương đã dũng cảm chọn một đề tài nghiên cứu mới mẻ và thách thức: robot tự hành.
Với tư duy đột phá và quyết tâm muốn làm một đề tài nào đó có tính ứng dụng cao, Dương đã thuyết phục được hội đồng xét học bổng quốc tế của Đức. Anh được đặc cách chuyển tiếp từ cử nhân lên làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Công nghệ Moses Zess (Đại học Siegen), cũng là trường hợp ngoại lệ đầu tiên và duy nhất trong hệ thống học bổng liên bang của Đức.
Chỉ 4 năm sau, năm 2012, biết được thông tin về dự án xe tự đỗ Park4you của Công ty Pháp Valeo tại Ireland, Dương quyết tâm hoàn thành sớm luận án tiến sĩ và đánh liều tự ứng cử vào vị trí chuyên gia nghiên cứu cho Valeo.
Mục tiêu thành hiện thực, anh trở thành một phần của nhóm nghiên cứu đứng sau phần mềm xe tự đỗ đầu tiên trên thế giới hiện vẫn đang được sử dụng phổ biến trong nhiều dòng xe hơi của nhiều hãng như Mercedez, BMW, VW, GM, Renault...
Để tìm thêm thách thức lớn hơn trong việc giải quyết các bài toán lớn của xe tự lái, Dương đầu quân cho Công ty Nhật Panasonic với cương vị giám đốc ADAS. Anh phụ trách mọi hoạt động của Panasonic tại châu Âu mà "trái tim" của nó là nhóm Global Research Hub - chuyên phát triển "bộ não" các dòng xe tự lái cho Panasonic.
Chỉ sau 1 năm 7 tháng về với Panasonic, vào khoảng năm 2016, Dương và nhóm cộng sự đã phát triển được phần mềm và phần cứng để một chiếc xe hơi hoạt động như một robot tự hành.
"Đam mê với xe hơi và tự động hóa đã đến với tôi như một cơ duyên và cả những may mắn", Dương hồi tưởng lại chặng đường sự nghiệp. Anh nói nay Việt Nam đã có nhà máy sản xuất xe hơi, các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội để thực tập ngay trong nước mà không cần phải chờ cơ duyên ở nước ngoài như anh.
Ngoài công việc tại Panasonic và Hội đồng Nghiên cứu châu Âu, Dương cũng là thành viên ban biên tập các báo, ban cố vấn và tổ chức cho các hội nghị hàng đầu thế giới về chuyên ngành robot và giao thông thông minh.
Hiện anh đang sở hữu 13 chứng chỉ phát minh, hàng trăm bài viết khoa học với ba giải thưởng danh giá cho nghiên cứu & sáng chế của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu gồm: CARAMEL, CPSOSAWARE và TRUSTEE.
Hướng về quê hương
Dương chia sẻ hồi nhỏ ngoài những giờ lên lớp anh thích được tự mày mò đọc những cuốn sách giải đáp về thiên nhiên và những hiện tượng vật lý. Thói quen này vô hình trung tạo cho anh sự tự lập trong học tập lúc đó cũng như trong quá trình nghiên cứu sau này.
"Nhìn chung, nếu được chỉ dẫn hay gợi ý một phương pháp, cách làm, dường như ai có nỗ lực và chăm chỉ đều có thể làm được. Nhưng nếu phải tự vạch một lối đi, nó sẽ đòi hỏi nhiều cố gắng hơn nữa", chàng trai thế hệ 8X chia sẻ.
Chia sẻ về bí quyết thành công, anh chỉ nêu hai điều đơn giản. Đó là quản trị thời gian tốt và chỗ dựa tinh thần từ gia đình. "Gia đình tôi vốn không khá giả, cha làm giáo viên cấp III, mẹ lo nội trợ và dạy dỗ 4 anh chị em, nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì luôn cảm nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ cha mẹ với mình", Dương bộc bạch.
Với vai trò mới là thành viên cao cấp của IEEE, Dương chia sẻ từ năm nay trở đi anh muốn dành thời gian nhiều hơn hướng về các hoạt động cộng đồng tại Việt Nam.
Chẳng hạn trong việc giảng dạy, Dương vừa ngừng một số vị trí giáo sư thỉnh giảng tại châu Âu và Trung Quốc để tập trung vào hướng dẫn nghiên cứu sinh và có thể hợp tác giảng dạy với các trường đại học tại Việt Nam. Anh chia sẻ dự định sẽ liên lạc một số trường tiêu biểu tại Việt Nam trong thời gian tới.
Về các hoạt động của IEEE, Dương đã và đang hỗ trợ Hội nghị quốc tế IEEE về lĩnh vực điện tử và truyền thông tại Việt Nam. "Tôi sẽ xem xét thêm các hoạt động nào khác hơn, đặc biệt liên quan tới xe hơi và trí tuệ nhân tạo. Đây là những mảng quan trọng nhưng khá mới mẻ đối với người dân Việt Nam", anh nói.
Tạo niềm tin từ lời từ chối
Khoảng năm 2017, giới công nghệ toàn cầu phát sốt với deep learning (học sâu) - một nhánh của trí tuệ nhân tạo. Khi đó có những khách hàng đặt hàng Dương về phát triển công nghệ phần mềm xe tự hành ở cấp độ cao nhất (cấp độ 5) - tức xe có thể hoàn toàn tự vận hành mà không cần bất cứ hỗ trợ nào của con người.
Anh từ chối vì cho rằng cấp độ tự hành 100% của xe hơi chính là bài toán ngoài tầm với của deep learning bởi lượng dữ liệu cần "nạp" quá lớn. Năm 2019, một hội đồng nghiên cứu gồm các chuyên gia hàng đầu thế giới khẳng định để có đủ dữ liệu đánh giá mức độ an toàn của xe tự hành cấp độ 5, các xe đó phải di chuyển quãng đường bằng đúng 34 lần đi về giữa Trái đất và Mặt trời - một chuyện không tưởng. Do đó, các khách hàng nể phục "lời từ chối" năm xưa của Dương.
"Những khách hàng xưa gặp lại nói bây giờ thì họ hiểu lúc đó tôi đã nói thật. Chuyện qua rồi và cái được lớn nhất chính là niềm tin từ họ", Dương cười.
Đồng nghiệp khen ngợi
Tiến sĩ Petros Kapsalas, giám đốc kỹ thuật tại ADAS - Panasonic châu Âu, cho biết ông bắt đầu làm việc với Dương từ năm 2013. Ông Kapsalas ấn tượng với Dương đã đạt được vị trí quản lý cấp cao dù tuổi đời còn rất trẻ nhờ năng lực chuyên môn vượt trội và một tầm nhìn hoạch định chiến lược.
"Việc trao danh hiệu thành viên cao cấp IEEE cho ứng cử viên thuộc lĩnh vực công nghiệp là chuyện rất hiếm, nhưng tiến sĩ Nguyễn đã đạt được, và điều này hoàn toàn không bất ngờ trong giới chuyên gia và học thuật vì rất xứng đáng", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận