TTCT - Vào giai đoạn khó khăn nhất của đất nước Việt Nam thời hậu chiến, ngay sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, Gabriel Garcia Marquez đã có một bài viết đặc biệt (gần 5.000 từ) cho tờ tạp chí lừng lẫy của Mỹ và thế giới The Rolling Stones về một Việt Nam đang vật lộn giữa thời kỳ chuyển giao cam khổ. Gabriel Garcia MarquezCác trang viết của ông đậm chất văn chương nhưng cũng cho thấy một nhà báo Marquez vĩ đại, sắc sảo, thấm đẫm chất hiện thực, góc cạnh và thật sự là một cái nhìn khác.“Chiến đấu để phục hồi đất nước đã bị tàn phá nặng nề, Việt Nam đối mặt với một Trung Quốc hiếu chiến và mối đe dọa từ kẻ thù đã bị đánh bại bên trong biên giới quốc gia mình”- ông viết trong phần mở đầu.Khuynh hướng thiên tả của Marquez - một người chống đối quyết liệt chế độ độc tài quân sự ở Mỹ Latin, đồng thời là bạn thân của lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro - giải thích phần nào cảm tình của ông với một quốc gia như Việt Nam. Nhưng ngòi bút của ông, như toàn bài báo cho thấy, trước hết xuất phát từ thiên lương của một người cầm bút đầy nhân bản.Được xuất bản ngày 29-5-1980, bài báo bắt đầu với một sự thật gây tò mò cho độc giả quốc tế: “Loại thuốc đắt nhất ở Việt Nam vào tháng 8 vừa qua (tháng 8-1979) - thuốc chống say sóng khi đi biển... Giá chợ đen có thể lên tới 5 đôla mỗi viên”.Marquez đã phải lăn lộn tới mọi ngóc ngách của đời sống Việt Nam gian truân khi đó để có những chi tiết đắt giá như thế cho bài báo của ông, với những lời giải thích thật sự khách quan về câu chuyện vượt biên, thuyền nhân và những số phận bi đát của thời bấy giờ.Ngay sau cuộc chiến biên giới và giữa làn sóng những cuộc ra đi trái phép được tổ chức ở quy mô lớn, “đã có cả một chiến dịch của truyền thông (quốc tế) chống lại Việt Nam, coi nước này là một vụ xìcăngđan tầm cỡ thế giới, dựa trên giả định nghiễm nhiên rằng chính quyền tìm cách xua đuổi những kẻ thù và buộc họ phải lên những con tàu đánh cá đầy rủi ro.Thật ra, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn tổ chức việc ra đi hợp pháp. Một trong những điều kiện của Liên Hiệp Quốc là người muốn ra đi phải xin được thị thực ở nước họ tới. Đó là một giải pháp quan liêu cho một tình huống khẩn cấp, vì thế những đơn xin đi chồng chất một cách vô vọng, và vượt biên trái phép trở thành con đường duy nhất”.Không chấp nhận những con số lạnh lùng của Liên Hiệp Quốc và những chỉ trích của các nước phương Tây với Việt Nam lúc bấy giờ gay gắt nhưng lại có phần đạo đức giả, Marquez viết:“Tôi đã tới Việt Nam với mục đích duy nhất là được nhìn tận mắt, có thể chỉ là để riêng tôi được biết sự thật là gì giữa rất nhiều phiên bản các câu chuyện khác nhau. Tuy nhiên, bi kịch của những người vượt biên, đập vào mắt và nhiều đau thương, chỉ trở thành mối quan tâm thứ hai với tôi, sau khi tôi được chứng kiến hiện thực đau khổ ở đất nước này lúc bấy giờ”.Đi qua những căn nhà mà “người dân Việt Nam còn chưa kịp dọn dẹp”, những “sân bay dân sự nơi vẫn chất đống đạn pháo từ các máy bay ném bom” và “những cung đường không bóng người”, Marquez - như một nhà văn - “có thể nhìn thấy tro bụi của các thị trấn bị bom napalm quét sạch khỏi bản đồ”, “những dòng sông hiền hòa chỉ có các cây cầu ván tạm bắc qua”.Ông đã tả cầu Long Biên lúc bấy giờ “nằm như một khối thép trơ trọi... như người ta đặt tháp Eiffel bắc qua sông Hồng”.Rollingstone.comVới Marquez, cuộc chiến ở Việt Nam chưa hề kết thúc. Ông không quên nhắc lại 14,5 triệu tấn bom đạn Mỹ đã trút xuống Việt Nam, gọi đó là “sự trừng phạt thảm khốc nhất bằng vũ khí từng trút xuống một đất nước trong cả lịch sử nhân loại”.Ông đã gần như đi dọc Việt Nam để viết bài báo, từ những câu chuyện vượt biên, người Hoa ở Sài Gòn, những đường phố Hà Nội, một trung tâm nghiên cứu bệnh hủi ở Quỳnh Lập (Nghệ An), cho tới thị xã Lạng Sơn tan hoang sau cuộc chiến biên giới. “Không một trường học hay bệnh viện nào an toàn” - Marquez viết.Ông cũng đã gặp các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam như Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay nhà ngoại giao Xuân Thủy. Marquez kể lại rằng ông Phạm Văn Đồng đã nói về cuộc chiến tranh biên giới như “một rủi ro tồn tại hàng nghìn năm nay”, và chua thêm bằng tiếng Pháp “C’est un rêve imperial fou” (Đó là một giấc mộng đế quốc điên rồ).Xuân Thủy thì khẳng định rằng: “Họ sẽ còn trở lại hai lần nữa. Chỉ khi nào chúng tôi đánh bại họ ba lần, họ mới hiểu rằng họ không thể đánh bại chúng tôi và có lẽ khi đó sẽ quyết định ký một hiệp ước hòa bình lâu dài” - những lời mà Marquez mô tả “như một sấm truyền phương Đông”.Chi tiết thú vị sau cùng, và đầy mỉa mai, mà Marquez để dành vào cuối bài báo là việc một ủy ban của nghị sĩ Mỹ tới Việt Nam vào những ngày đó, lưu trú ở một khách sạn bên bờ hồ Gươm.“Nhiệm vụ của họ là gặp nhà chức trách sở tại trao đổi về vấn đề người di cư, và họ đã được đón tiếp trọng thị. Nhưng họ đã chuẩn bị như thể cho một chuyến đi săn lùng Tarzan. Họ mang theo những thùng lớn nước uống, soda và bia các nhãn hiệu lớn, đồ ăn đóng hộp, trái cây và rau quả đông lạnh, một quầy bar di động và một bệnh viện dã chiến với một đơn vị đặc biệt trị rắn cắn... Tất cả được đóng trong những thùng kim loại với dấu chính thức của nhà nước Mỹ, kèm theo là hàng loạt dụng cụ quay phim chất đầy sảnh khách sạn”.Bởi sự trớ trêu đó, ông kết luận: “Việt Nam một lần nữa đã trở thành nạn nhân của một âm mưu quốc tế. Chính quyền ở đây chẳng hề trục xuất ai, đôi khi họ đành phải ngoảnh mặt làm ngơ... Sau quá nhiều thế kỷ chiến tranh, Việt Nam đã thua một trận chiến lớn ít được biết tới hơn, nhưng cũng có sức tàn phá không kém những cuộc chiến mà đất nước này từng trải qua - cuộc chiến thông tin”.“Giấc mộng đế quốc điên rồ”Sự chắc chắn về một cuộc chiến mới với Trung Quốc đã ăn sâu vào ý thức xã hội của người Việt Nam tới mức có vẻ như những năm tháng đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc đã sản sinh ra cả một nền văn hóa chiến tranh.Có thể nhìn thấy nền văn hóa đó trong mọi khía cạnh của đời sống thường nhật, ngay cả trong nghệ thuật và trong tình yêu. Ở các trại trẻ mồ côi tại miền Nam, trẻ em đón khách với lối chào kiểu quân sự, hát các bài ca yêu nước và diễn những vở kịch chiến thắng giặc ngoại xâm trong quá khứ.Ở các bảo tàng, những tác phẩm nổi bật nhất đều có đề tài chiến tranh, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sự hi sinh. Trong các lễ hội văn hóa, những nữ nghệ sĩ xinh đẹp chơi đàn tam thập lục trong bầu không khí đau buồn khóc thương những người lính chết trong chiến trận. Tiểu thuyết và thi ca ở Việt Nam trong nhiều năm tràn ngập những trải nghiệm cá nhân về cuộc chiến.Tuy nhiên, điều khiến tôi kinh ngạc nhất ở người Việt Nam là sự lạc quan của họ. Họ lúc nào cũng tỏ ra hạnh phúc, đầy cảm xúc và sẵn sàng cười đùa.“Chúng tôi là những người Latin của châu Á” - một viên chức cấp cao nói với tôi. Trong một dịp, khi người phiên dịch đang dịch cho tôi một câu chuyện kinh hoàng thì tôi để ý thấy trên khuôn mặt người kể câu chuyện đó là nụ cười không bao giờ tắt.Tôi trao đổi với người phiên dịch: “Không thể nào người bạn này lại kể tất cả những chuyện kinh hoàng đó với khuôn mặt hạnh phúc như vậy”. Nhưng đúng là như thế, và đã luôn là như thế. Ngay cả những mối quan hệ đầy sóng gió với Trung Quốc cũng không làm ảnh hưởng tới sự bình yên vĩnh cửu của người Việt Nam.Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà lãnh đạo 74 tuổi, khiến tôi kinh ngạc vì sức mạnh thể chất và sự minh mẫn trí tuệ của ông, đón tôi và gia đình tôi vào lúc6 giờ sáng, giờ mà hầu hết lãnh đạo quốc gia còn chưa thức giấc. Đó là một cuộc nói chuyện dài, theo kiểu Việt Nam, với những lời lẽ khiêm nhường và lễ nghi, và rồi chúng tôi không thể tránh khỏi đề cập tới cuộc chiến với Trung Quốc. Tôi hỏi ngài thủ tướng một cách thẳng thắn rằng liệu những căng thẳng dẫn tới cuộc chiến sắp đến có thật hay không.Ông Phạm Văn Đồng trả lời tôi: “Đó là một nguy cơ đã tồn tại hàng nghìn năm”. Và ông kết thúc bằng câu tiếng Pháp: “C’est un rêve imperial fou” (Đó là một giấc mộng đế quốc điên rồ).(Trích đoạn bài viết “The Vietnam wars” của G. G. Marquez trên tờ The Rolling Stones năm 1980) Tags: Trung QuốcGabriel Garcia MarquezViệt Nam thời hậu chiến
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.