"Bộ não mở rộng" trong túi quần

THANH NHI 02/12/2024 08:59 GMT+7

TTCT - "Mình phải cố lên", có lẽ ta đã viết thế năm 2016, nhưng cố vì cái gì nhỉ? Chịu, không nhớ được. Lẽ nào cần thêm "bộ nhớ mở rộng của mở rộng", để gợi nhớ giúp những ký ức đó?

"Bộ não mở rộng" trong túi quần - Ảnh 1.

Với trí nhớ và khoảng chú ý của con người ngày càng kém đi, ứng dụng ghi chú trên điện thoại ngày càng vượt qua vai trò khiêm nhường ban đầu của nó, trở thành "bộ não mở rộng", nhỏ gọn và bỏ túi được, mang theo khắp mọi nơi.

App ghi chú - từ Google Keep trên Android đến Notes của iOS - đã thay thế giấy gói bánh mì, tờ lịch ngày hôm qua, giấy nhớ chuyên dụng của dân văn phòng làm chỗ ghi chép mọi thứ, từ mật khẩu, danh sách đi chợ, ý tưởng đột xuất tới những suy tư cuồn cuộn trong đầu, mà sau này đọc lại, ta không biết lúc đó mình đang nghĩ gì.

Để quẳng bớt đi những mệt nhọc khi não bộ phải ghi nhớ nhiều thứ, người ta quyết định giao số phận mình cho các ứng dụng. Google Keep có hơn 1 tỉ lượt tải về chỉ tính trên chợ ứng dụng chính thức Google Play, còn Notes được cài sẵn trên hầu hết 2,2 tỉ thiết bị Apple, theo The Wall Street Journal. 

Chưa có thống kê chính thức nào về số người sử dụng ứng dụng ghi chú, nhưng theo công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower, Goodnotes, Notion và một số dịch vụ tương tự và có nhiều tính năng cùng khả năng tương thích rộng hơn với Android và Windows đều đã được tải xuống khoảng 50 triệu lần từ năm 2021 đến tháng 10-2024.

Sự phổ biến của việc sử dụng ứng dụng ghi chú trên điện thoại đã khiến các nhà sản xuất tăng cường rất nhiều tính năng so với ứng dụng chỉ toàn chữ ban đầu: sao chụp tài liệu, lưu hình ảnh, hẹn ngày thông báo nhắc nhở, danh sách việc cần làm, phân loại ghi chú theo màu sắc… Tiện lợi hơn cả là "ghi chú chung", nhiều người cùng thao tác trên một ghi chú (chẳng hạn kế hoạch du lịch, ai làm gì, chuẩn bị gì thì cùng nhau điền vào).

Lý do khiến nhiều người ghi chú trên điện thoại không chỉ vì chúng ta sử dụng điện thoại nhiều hơn xưa, cũng không chỉ là một ứng dụng vô hồn với những dòng công việc khô khan. Ghi chú trên điện thoại đã và đang được xem như một dạng nhật ký ngắn, bộc lộ rõ nhất nội tâm và cách suy nghĩ của chúng ta tại thời gian thực.

Theo Adrienne So, biên tập viên tạp chí WIRED, cô lưu trữ mọi thứ trên ứng dụng ghi chú, từ danh sách mua hàng siêu thị, quà Giáng sinh, tới danh sách bài hát yêu thích. Với Sadie Sullivan, quản lý mạng xã hội ở Minneapolis, ứng dụng ghi chú được xem như một danh sách trang phục theo sự kiện và thời tiết, với một số phân mục quần áo theo trời nóng hay lạnh.

Người nổi tiếng lại thấy một công dụng khác của app ghi chú: làm phông nền cho các thông điệp cần bố cáo thiên hạ, theo trang MacWorld. Năm 2015, ca sĩ Ariana Grande từng đăng một bài xin lỗi chính thức trên mạng xã hội Twitter về những hình ảnh không phù hợp của cô và chiếc bánh donut, thông qua ảnh chụp màn hình của ứng dụng ghi chú. Năm 2016, Taylor Swift cũng đăng một bài phản hồi về thông tin liên quan đến Kanye West và Kim Kardashian bằng cách chia sẻ màn hình ứng dụng Notes của Apple.

"Bộ não mở rộng" trong túi quần - Ảnh 2.

Cứ tưởng đó là cách các ngôi sao lách quy định bài đăng chỉ được dài 250 ký tự của Twitter, nhưng ngay cả sau này, khi TikTok xuất hiện, chia sẻ thông điệp bằng ảnh chụp màn hình ứng dụng ghi chú (quá cồng kềnh) vẫn là xu hướng. 

Khoảng giữa năm 2023, dân mạng bắt đầu chia sẻ ảnh chụp màn hình những ghi chú trong điện thoại với hashtag "#nevergothroughagirlsnotes", nghĩa là chớ nên xem ghi chú của các cô gái. Bởi có xem thì sẽ ngỡ ngàng với những gì phái đẹp trút vào ứng dụng - từ những mục hết sức bình thường như danh sách những quyển sách muốn mua, đồ cần dùng trong tuần, bài tập thể thao cần nhớ, đến những thứ có vẻ độc lạ hơn. Một phụ nữ ghi lại dấu mốc thời gian và địa điểm mình từng rơi lệ, một người khác lưu vào ghi chú tấm ảnh dự định trở thành "ảnh thờ" trong tương lai.

#nevergothroughagirlsnotes đã cực kỳ phổ biến trên TikTok, với 672.800 lượt đề cập tính tới nay. Một hashtag khác, #notesapp, có hơn 90.000 bài viết, nơi người ta chia sẻ bản nháp thư chia tay, chép lời bài hát và cả nhật ký rơi nước mắt.

Mật khẩu thư điện tử, số tiền điện cần thanh toán, chương trình thực tế cần xem, hay nỗi buồn trong một ngày mưa vuông vức như tờ giấy nhớ Post-it, tất cả đều được lưu trữ trong ứng dụng bền vững hơn tờ giấy ghi vội số điện thoại hay dòng địa chỉ khi xưa, mà dẫu có gấp hai gấp ba bỏ vào túi quần thật cẩn thận, vẫn có nguy cơ lạc mất, bay luôn những gì cần nhớ. Giờ thì ký ức không bao giờ có thể gõ cửa rời khỏi "bộ não mở rộng" của ta trên điện thoại.

Nhưng ấy là ta tưởng thế. Trong một buổi chiều cuối tuần, mở ứng dụng ra, mở bất kỳ một trang ghi chú xa xa, có lẽ sẽ khó nhớ những dòng vắn tắt ấy là chỉ cái gì. "Mình phải cố lên", có lẽ ta đã viết thế năm 2016, nhưng cố vì cái gì nhỉ? Chịu, không nhớ được. Lẽ nào cần thêm "bộ nhớ mở rộng của mở rộng", để gợi nhớ giúp những ký ức đó?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận