Một tiết học của sinh viên ngành tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
"Nếu chọn ngành nghề chỉ vì để được miễn học phí thì chất lượng giáo lượng giáo viên có tốt không? Theo tôi, nếu một người tâm huyết với nghề thì họ không quan trọng việc được miễn học phí hay không", Đào Ngọc Phúc - sinh viên năm nhất Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nêu ý kiến.
"Bất công cực kỳ lớn"
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là trường sư phạm đặc thù với 13 ngành sư phạm. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Suốt hơn 10 năm nay, nhà trường miễn hoàn toàn học phí với các sinh viên theo học 13 chương trình sư phạm của trường. Đây là bất công cực kỳ lớn đối với tất cả sinh viên trong trường".
Cũng theo ông Dũng, mỗi năm nhà trường nhận từ 5-8 tỉ đồng cấp bù kinh phí đào tạo các ngành sư phạm. Trong 10 năm qua nhà trường phải bù lỗ để đào tạo cho số sinh viên sư phạm này, mỗi năm 30 tỉ đồng.
Chính do kinh phí cấp bù đào tạo ít nên các trường sư phạm gặp nhiều khó khăn, không đủ nguồn lực để đào tạo cho "ra ngô ra khoai". Việc nhà trường lấy học phí của sinh viên các ngành khác nuôi sinh viên sư phạm cũng là bất công.
Hiện nay với các ngành sư phạm kỹ thuật, nhà trường cấp cho sinh viên tốt nghiệp hai bằng: kỹ sư và sư phạm kỹ thuật. Vì vậy, 90% sinh viên giỏi đều ra làm cho các công ty. Nhà trường không chế tài được những sinh viên này.
Ông Dũng đề nghị: "Chúng ta chỉ xét cấp học bổng cho những sinh viên rất khó khăn để bù lại số học phí họ phải đóng. Trường tôi đang đề xuất với Bộ GD-ĐT và Quốc hội thực hiện thu học phí đối với tất cả sinh viên.
Tuy nhiên, với những sinh viên ra trường công tác trong ngành sư phạm, nhà trường sẽ chuyển toàn bộ học phí sinh viên đã đóng về cho sở GD-ĐT nơi sinh viên đó công tác để cấp thêm tiền cho họ từ nguồn học phí này.
Như vậy, bên cạnh tiền lương, các sinh viên sư phạm này có thêm khoản tiền để giúp ổn định cuộc sống trong những năm đầu, có điều kiện cống hiến tốt hơn cho ngành giáo dục".
Phải có lộ trình
Tương tự, PGS.TS Lê Văn Tiến - hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM - cũng đồng ý đề xuất phải bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm.
"Để thực hiện việc này phải có lộ trình và các điều kiện đi kèm. Nếu năm sau bỏ ngay thì chắc chắn các trường sư phạm sẽ tan rã và sẽ gây hiệu ứng tiêu cực trong sinh viên" - ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tiến, hiện nay đang có định hướng các trường phải theo cơ chế tự chủ. Trong khi đó nếu các trường sư phạm miễn học phí có nghĩa là nhà trường phải lấy ngân sách nhà nước, cơ chế vẫn là xin - cho. Vì thế, khi các trường sư phạm đã tự chủ, bắt buộc phải bỏ chính sách miễn học phí.
Xét dưới góc độ tự chủ, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng ông hoàn toàn đồng ý với PGS.TS Đỗ Văn Dũng, vì hiện nay với việc cấp bù học phí cho các trường sư phạm, số tiền đó không tương xứng với chi phí đào tạo một cử nhân sư phạm chất lượng, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Theo ông Sơn, đến nay chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm vẫn còn tác động tích cực, nhưng hiệu lực đã giảm đi đáng kể, thậm chí đã có nhiều tác động tiêu cực đến động cơ học tập và tinh thần học tập của sinh viên.
Chính sách này cũng đang "va đập" với chính sách cho vay tín dụng sinh viên. Cạnh đó, trên thực tế có những sinh viên các ngành ngoài sư phạm phải đóng học phí với số tiền hơn 35 triệu đồng/khóa học, và tự đi học thêm lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để có thể làm giáo viên.
"Nếu vẫn tiếp tục chính sách miễn học phí, chắc chắn sức cạnh tranh của các trường sư phạm, đặc biệt là hướng đi tự chủ sẽ bị ảnh hưởng rất đáng kể. Tuy nhiên, nếu bỏ chính sách này phải có lộ trình để thực hiện, không thể bỏ ngay được" - ông Sơn khẳng định.
Theo ThS Nguyễn Thị Yến Nam - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hiệu quả của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã tạo ra sức hút nhân tài cho ngành sư phạm trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, bối cảnh phát triển đã đặt ngành sư phạm trước các thách thức cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, mà việc tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm cần phải điều chỉnh.
Đồng thời, bà Yến Nam đã đưa ra các chính sách và giải pháp mới tăng chất lượng đào tạo mà ngành sư phạm cần hướng tới như: trao quyền tự chủ tài chính cho các trường đại học; thu học phí và định mức học phí tương xứng chất lượng cao trong đào tạo sư phạm; ưu đãi tín dụng kèm đảm bảo công việc đầu ra cho sinh viên sư phạm.
Sẽ khó khăn trong tuyển sinh sư phạm PGS.TS Nguyễn Thám - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) - nhận định chính sách miễn giảm học phí (cấp bù sư phạm) là một trong những động lực thu hút học sinh giỏi vào sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Theo thống kê tại một số trường khu vực miền Trung, có khoảng 70-80% sinh viên của trường sư phạm là con em vùng nông thôn, miền núi, gia cảnh khó khăn. Nguồn kinh phí cấp bù sư phạm tăng đều qua các năm từ 2011 đến nay. Hiện nay số kinh phí cấp bù sư phạm khoảng 483 tỉ đồng cho 50.000 chỉ tiêu vào sư phạm. "Nếu ngay bây giờ bỏ chính sách miễn học phí thì các trường sư phạm sẽ rất khó khăn trong tuyển sinh. Sau khi quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, khống chế chỉ tiêu tuyển sinh, dần cân bằng cung - cầu thì lúc đó tiến tới việc bỏ cấp bù học phí cho sinh viên sư phạm. Từ đó các trường sư phạm tiến đến tự chủ toàn diện trong quá trình đào tạo" - ông Thám đề nghị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận