03/12/2024 11:33 GMT+7

Bộ máy hiệu quả và mục tiêu dân giàu nước mạnh

Cả xã hội đang quan tâm đến quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy để đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Vì sao nói vậy?

Bộ máy hiệu quả và mục tiêu dân giàu nước mạnh - Ảnh 1.

Cán bộ UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH

Việc tinh giản bộ máy sẽ giúp tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên lãng phí của công tác hành chính quá bé nhỏ so với sự lãng phí của sự trì trệ, thiếu trách nhiệm, gây ách tắc làm cho một lực lượng sản xuất lớn đóng băng, không tạo ra của cải cho xã hội.

Đó mới là điều cần cải tổ trong cuộc cách mạng để nâng cao hơn nữa hiệu quả của bộ máy.

Câu châm ngôn "tiết kiệm 1 đồng là làm ra 1 đồng" luôn đúng, nhưng tiết kiệm quá lại không tốt. Chúng ta không thể cắt giảm nhân sự, giao việc cho họ nhiều hơn nhưng đồng lương vẫn rất thấp so với thị trường thế giới như hiện nay.

Vấn đề là bộ máy phải hiệu quả để giúp người dân và doanh nghiệp kinh doanh sản xuất nhiều hơn, qua đó thu ngân sách nhà nước nhiều hơn và chi nhiều hơn trên cơ sở cán cân ngân sách luôn dương, tăng trưởng phải đạt trên 8% khi tổng GDP dưới 1.000 tỉ USD và 5-6% khi tổng GDP đạt 2.000 tỉ USD (ước tính năm 2025, GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 500 tỉ USD).

Để làm cho nền kinh tế Việt Nam hiệu quả hơn, dương nhiều hơn, Chính phủ ngày càng hiệu quả hơn thì cần bắt tay nhanh thực hiện tinh gọn bộ máy để tạo xung lực cho phát triển kinh tế.

Đó là phải cắt giảm nhân sự và tăng lương cho người lao động. Theo tỉ lệ quốc tế thì lực lượng hành chính của một quốc gia chiếm từ 0,5 - 1% dân số, như vậy con số lực lượng hành chính của Việt Nam chỉ dưới 1 triệu người là hợp lý.

Nhưng thực tế con số này ở Việt Nam gần 3 triệu người. Mức lương của nhân viên nhà nước Việt Nam hiện nay quá thấp, rất khó để Chính phủ chọn được người tài.

Cần phải nâng mức lương cho nhân viên nhà nước theo lộ trình mức lương tối thiểu/mức lương trung bình/tháng - năm 2030 tương đương 2.000 USD/4.000 USD và năm 2035 là 4.000 USD/6.000 USD - để cán bộ nhà nước yên tâm làm việc, có đủ lương để nuôi con và gia đình.

Đã tinh gọn bộ máy, muốn hiệu quả cao, cần sử dụng công nghệ cao trong quản lý, nhanh chóng nâng cao hệ thống tự động hóa, số hóa trong quản lý để giảm lao động sống, thay thế bằng tự động hóa, AI…

Để đánh giá hiệu quả thì không thể nói chung chung mà cần xây dựng chế độ KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) cho từng bộ, từng địa phương, gắn trách nhiệm chính trị và thực hiện chế độ thưởng phạt rất nặng, thậm chí đưa vào Bộ luật Hình sự, đối với những cán bộ làm chậm tiến độ giải quyết công việc. Lấy việc hoàn thành nhiệm vụ KPI làm tiêu chí để đề bạt, cất nhắc cán bộ.

Nhưng muốn cán bộ hoạt động "hết công suất", điều kiện rất quan trọng là phải bảo đảm sự rõ ràng, lành mạnh của hệ thống pháp luật, tạo niềm tin cho cán bộ nhà nước làm việc.

Song song đó, cũng cần lựa chọn các doanh nhân xuất sắc vào bộ máy hoặc tham gia tổ tư vấn cho Chính phủ.

Thực hiện chế độ thuế thu nhập doanh nghiệp 17% tương đương Singapore để khuyến khích đầu tư nước ngoài. Khẩn cấp tháo gỡ khó khăn.

Đây là việc hết sức cấp thiết trong tình trạng cán bộ ở một số bộ, ngành, địa phương sợ trách nhiệm, né tránh, "chuyền bóng" như hiện nay. Sự trì trệ kéo theo sự lãng phí vô cùng lớn và lớn hơn rất nhiều lần lãng phí hành chính.

Đồng thời khai thác các nguồn lực còn lãng phí như sử dụng thuế đất và thuế lũy tiến cao để dịch chuyển tư liệu sản xuất từ những dự án, quỹ đất không sinh lợi sang những người có năng lực.

Trên thực tế sự lãng phí này cũng lớn gấp rất nhiều lần lãng phí hành chính. Các nước phát triển xử lý tình trạng này rất tốt, buộc những người muốn giữ đất hoặc phải nộp thuế, hoặc phải nhanh chóng đưa đất vào kinh doanh, hoặc phải chuyển nhượng; chống sự đầu cơ, chây ì, tăng khả năng sinh lời cho quốc gia.

Phải có biện pháp mạnh để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ví dụ khi 65 triệu dân nông nghiệp chuyển đổi sang lĩnh vực công nghiệp hoặc thay đổi đối tượng nuôi trồng để tăng thu nhập lên cao, GDP của Việt Nam có thể đạt con số ngàn tỉ USD.

Vì vậy cần xây dựng lộ trình để GDP bình quân trên đầu người của thành phần này đạt 20.000 USD/người/năm đến năm 2030 và 35.000 USD/người/năm đến năm 2045.

Để động viên tinh thần khởi nghiệp, cần miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm đầu, kèm biện pháp chống lách luật liên tục tạo doanh nghiệp mới để hưởng miễn thuế. Lựa chọn 10 - 15 công ty, bao gồm các công ty nhà nước và tư nhân, xây dựng mô hình kinh tế mạnh...

Tinh gọn bộ máy không chỉ tiết kiệm được ngân sách, mà chính là cởi trói cho năng lực sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, giúp nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho lòng tin của nhân dân, là nền tảng để thực hiện mục tiêu dân giàu - nước mạnh.

Bạn có hiến kế, đề xuất giải pháp nào về việc tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến địa phương? Hãy gửi ý kiến của bạn về Tuổi Trẻ qua email [email protected]. Tòa soạn sẽ chọn lọc đăng tải đề xuất của bạn để bạn đọc và cơ quan chức năng tham khảo.

TUỔI TRẺ

Bộ máy hiệu quả và mục tiêu dân giàu nước mạnh - Ảnh 1.Tinh giản bộ máy hành chính: Dỡ miếu thì dễ, tống thần thì khó

Tinh giản bộ máy hành chính, sáp nhập hoặc giải thể các cơ quan đang là chủ trương mang tính "đột phá" của Đảng và Nhà nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên