TTCT - Tinh gọn bộ máy vừa là yêu cầu của Nhà nước, vừa là nhu cầu của người dân. Lợi ích không chỉ là vật chất, khi số chi ngân sách giảm bớt sẽ được sử dụng cho những công chuyện khác, mà còn là cơ hội làm mới tinh thần và thái độ công vụ. Ảnh: GettyQuyết tâm chính trị từ những người lãnh đạo cao nhất, cả về đường lối và điều hành, về mong muốn tinh gọn bộ máy cho thấy một thái độ hoàn toàn mới: nhìn thẳng vào thực tại, nhìn và thấy sự thật, nói bằng sự thật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ.Thấy sự thậtXu hướng mới thể hiện trong phát biểu của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết các nghị quyết của Đảng diễn ra sáng 1-12. Thực tại được công khai nhìn nhận, chẳng hạn: "Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương; giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ"."Đối với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Đồng chí Lê Minh Hưng nêu rõ việc rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết". "Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý". "Rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số báo, tạp chí không thật sự cần thiết". (chinhphu.vn 2-12)Trước hết, yêu cầu đặt ra là đánh giá thực chất bộ máy trên cơ sở hiệu năng hoạt động: cái gì là thật sự cần thiết, cái gì không. Tinh thần "phê và tự phê" nay trở lại dưới hình thức "rà soát lại" đang được tiến hành cùng khắp từ trung ương tới địa phương. Đây chỉ là một trong nhiều động thái để đảm bảo thu chi ngân sách bền vững, hiệu quả - nhiệm vụ "đầu tiên" để tránh cảnh phải hỏi "tiền đâu" của mọi nhà nước.Ảnh: VoxNgân sách nhà nước và tinh gọn bộ máyTheo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 ước đạt 1.752,5 ngàn tỉ đồng, bằng 96,53% so với ước thực hiện năm 2022, tương đương 17,14% GDP (năm 2022 đạt 19,08%, năm 2021 18,77% và năm 2020 18,78%). Có thể thấy năm 2023, thu ngân sách và tỉ lệ huy động vào NSNN ước đạt thấp hơn năm 2022.Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN năm 2023 ước đạt 1.731,9 ngàn tỉ đồng, tăng 10,9% so với năm trước (cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính 9-1). Trong đó, chi thường xuyên năm 2023 ước tính lên đến 1.058,6 ngàn tỉ đồng (tăng 3,2% so với năm trước); chi đầu tư phát triển 579,8 ngàn tỉ đồng (tăng 33,1%); chi trả nợ lãi 90,1 ngàn tỉ đồng (giảm 7,6%).Với kết quả thu chi NSNN 2023 như nêu trên, bội chi NSNN năm 2023 ước khoảng 355,8 ngàn tỉ đồng, bằng 3,5% GDP, giảm khoảng 99,7 ngàn tỉ đồng so dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế năm 2023 ước giảm khoảng 13,9% so với thực hiện năm 2022 (kim ngạch xuất khẩu có thuế giảm khoảng 20,3%; kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm 14%).Sau khi đã chủ động đề xuất các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023, nay Nhà nước còn phải tính các bài toán tăng lương cho công chức, cải cách thuế thu nhập cá nhân và thuế VAT, đồng thời triển khai nhiều chính sách tiền tệ và vĩ mô khác, tỉ như tăng cường thu ở các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản sát với giá thị trường, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản phát sinh. Tất cả đều là chuyện cơm áo gạo tiền, quốc kế dân sinh trọng đại của một quốc gia. Trong bối cảnh đó, tinh gọn bộ máy để giảm chi ngân sách, góp phần giúp người dân đỡ đi gánh nặng thuế khóa một cách hợp lý thật sự là vô cùng cần thiết.Ảnh: The Indian ExpressHiệu năng công vụTại cuộc họp báo chiều 30-11, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng đã thông tin về chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy với các cơ quan của Quốc hội, theo đó thậm chí đang rà soát, đánh giá, nghiên cứu về "số lượng đại biểu, số lượng các cơ quan thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội". Chi tiết "số lượng đại biểu" này rất đáng lưu ý, cho thấy quyết định tinh gọn là quyết liệt. "Tinh gọn bộ máy không phải chỉ là giảm đi mà phải đảm bảo tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" (báo Pháp Luật 30-11 dẫn lời ông Tùng).Năm 2024 đã là sắp hết 1/4 thế kỷ 21 rồi. Ngành hành chính công trên cơ sở kinh tế học đã được đưa vào giảng dạy tại Việt Nam qua nhiều thập niên. Trước khi làm quen với quản trị công vụ kiểu hiện đại, tâm lý của một bộ phận công chức vẫn chưa thể hiện được tinh thần phục vụ. Nhưng mấy mươi năm qua, sự đào tạo, học tập và nghiên cứu về hành chính công đã có nhiều bước tiến. Những kiến giải về quản trị công hiệu quả và xây dựng thể chế cũng đã rất nhiều và rất quen thuộc, dù trên mặt báo hay trong tư duy của người làm chính sách. Đã không ai xa lạ với điều mà, như nghiên cứu "Good governance enhance the efficiency and effectiveness public spending - Sub Saharan countries" của tác giả Ghirmai T. Kefela đã nêu: "Quản trị hiệu quả và hiệu năng là một phần không thể thiếu đối với sự thịnh vượng của bất kỳ quốc gia nào. Quản trị là việc thực thi quyền lực hoặc thẩm quyền; chính trị, kinh tế, hành chính hoặc các hình thức khác để quản lý nguồn lực và công việc của quốc gia". "Nó bao gồm các cơ chế, quy trình và thể chế mà thông qua đó công dân và các nhóm thể hiện lợi ích, thực hiện các quyền hợp pháp, đáp ứng nghĩa vụ và hòa giải khác biệt của họ. Chiến lược chính để có được sự quản trị hiệu quả và hiệu suất liên quan đến hoạt động của khu vực công tập trung vào trách nhiệm giải trình và giám sát".Nhiều nhà quản lý cấp cao ở Việt Nam nay đều đã học, đọc về quản trị công, song hai yêu cầu "trách nhiệm giải trình và giám sát", vốn gắn với bộ máy tinh gọn, vẫn còn là điều mong mỏi. Rà soát để tinh gọn, dựa thêm vào yêu cầu này, sẽ khách quan hơn. ■ Trong góc nhìn tinh gọn bộ máy, có thể giở lại kinh nghiệm nước Pháp năm 1956. Cuộc chiến tranh Algeria khiến thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và đẩy nước Pháp vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.Kinh tế suy thoái khiến Pháp phụ thuộc rất nhiều vào các nhà tài trợ quốc tế, Hoa Kỳ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh thanh toán châu Âu. Sau hai năm khắc khoải, tháng 6-1958, tướng De Gaulle lên giữ chức chủ tịch Hội đồng chính phủ để giải quyết ba vấn đề đang đe dọa quốc gia: cuộc chiến ở Algeria, cải cách nhà nước và tình hình tài chính công.Jacques Rueff, một quan chức tài chánh tài ba, từng giữ chức phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Pháp từ năm 1939 và tham gia vào những khởi đầu của Cộng đồng châu Âu về than đá và thép (tiền thân của EU), được giao chủ trì rà soát nền kinh tế tài chánh quốc gia. Bản đánh giá trung thực sau đó được chuyển tới Bộ trưởng Tài chánh Antoine Pinay làm căn cứ cho kế hoạch khôi phục tài chánh.Kế hoạch mang tên chung Rueff-Pinay được thông qua sẽ đưa nước Pháp vào cuộc cải cách sâu rộng gồm ba phần, mà phần một là lành mạnh hóa tài chính công, đáng chú ý là giảm trợ cấp cho các công ty thuộc khu vực công làm ăn thua lỗ, thậm chí giảm mức tăng lương và tiền công trong lĩnh vực công, gia tăng cơ sở tính thuế thu nhập, tăng mạnh thuế thuốc lá, rượu và thuế doanh nghiệp...Tiến bộ thực sự nằm ở việc kiểm soát chi tiêu công: trong khi những năm 1956 và 1957, chi ngân sách nhà nước tăng 1/3 thì sang năm 1959, chi ngân sách giảm tới 14%. Từ kinh nghiệm Pinay, nhìn lại kế hoạch rà soát và tinh giảm hiện nay của Việt Nam, cũng như đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá và bia rượu ở nghị trường Quốc hội mới đây (Quân Đội Nhân Dân 22-11-2024), có nhiều điểm tương đồng. Dấu ấn đích thực của bộ trưởng Pinay, người đã cứu nền kinh tế tài chánh Pháp cuối thập niên 1950, là phát biểu: "Chúng ta đang ở trong giờ phút của sự thật, sự thật thì khó khăn". Tags: Tinh gọn bộ máyNhà nướcHiệu quảHành chínhNgân sách nhà nước
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Điều động bí thư Tỉnh ủy Phú Yên làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương NGỌC AN 24/01/2025 Bộ Chính trị có quyết định điều động, phân công, bổ nhiệm ông Phạm Đại Dương - bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - giữ chức vụ phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Cục Điện ảnh yêu cầu cắt cảnh Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu phim Thái 404 Chạy ngay đi. Đ.DUNG 24/01/2025 Cục Điện ảnh cho rằng đoạn Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu của người Việt xuất hiện ở phim 404 Chạy ngay đi 'không sai phạm nhưng cắt để tránh gây hiểu sai về ý nghĩa và giá trị di sản'.