30/06/2019 09:13 GMT+7

Bỏ mặc người khác chết giữa đường, xã hội đối mặt sự vô cảm đang lấn lướt?

THIÊN ĐIỂU thực hiện
THIÊN ĐIỂU thực hiện

TTO - Dẫu nhìn nhận sự thờ ơ, vô cảm đang lấn lướt nhưng TS Nguyễn Sĩ Dũng tin rằng lòng tốt vẫn còn rất nhiều và nó đang cần một mảnh đất màu mỡ để đâm chồi.

Bỏ mặc người khác chết giữa đường, xã hội đối mặt sự vô cảm đang lấn lướt?  - Ảnh 1.

Tài xế taxi chỉ dừng lại xem xét 13 giây rồi lên xe đi mất, bỏ lại hai nạn nhân đang nguy kịch - Ảnh từ camera an ninh

Đây cũng là điều đang được đặt ra, bàn cãi sau vụ việc hai nạn nhân gặp tai nạn giao thông đã bị bỏ mặc trên đường phố tại TP.HCM. 

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) xung quanh vấn đề này.

Đông hơn nhưng ít kết nối hơn

* Thưa ông, vài năm gần đây, sự vô cảm được nhắc đến rất nhiều. Ông nghĩ sao về sự vô cảm trong xã hội hiện nay?

- Chúng ta đang ngày càng đông đúc hơn, nhưng lại càng ít gắn kết với nhau hơn. Và có lẽ, chính vì vậy mà ngày càng cô đơn hơn. Các thiết chế từng gắn bó chúng ta lại với nhau có vẻ như ngày càng ít phát huy tác dụng.

Khi những người qua đường không dừng lại cứu giúp nạn nhân thì đó là thất bại của đạo đức. Nhưng khi người lái xe gây tai nạn bỏ mặc nạn nhân thì đó lại là thất bại của cả đạo đức lẫn pháp luật. 

Vấn đề là tại sao ngày nay cả đạo đức lẫn pháp luật đều ít phát huy tác dụng? Có lẽ Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan nghiên cứu khác của chúng ta cần phải tìm cho ra câu trả lời.

* Ông có nghĩ rằng xã hội của chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng đạo đức?

- Tôi không tin tất cả mọi người Việt Nam đều hành xử như vậy. Vẫn có những người hì hục đục bỏ bêtông rơi ra đường để những người tham gia giao thông khác không bị tai nạn. 

Vẫn có những người hiến đất để làm sân chơi cho trẻ, để làm đường, xây trường, xây bệnh viện...

Tuy nhiên, vấn đề là sự vô cảm đang ngày càng lấn lướt. Thật đau lòng khi cả đám trẻ chỉ đứng nhìn, đứng quay video clip mặc cho bạn học cùng lớp bị đánh đập dã man, bị lột hết quần áo. 

Hay khi nhiều bậc lương y chấp nhận cho người bệnh về nhà chờ chết vì người đó không đủ tiền chi trả cũng vậy.

Có thể đây là những tín hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng đạo đức đang đến. Thật rủi ro khi các quy phạm đạo đức không còn bảo vệ được chúng ta khỏi sự tha hóa, sự xấu xa và sự vô cảm.

Bỏ mặc người khác chết giữa đường, xã hội đối mặt sự vô cảm đang lấn lướt?  - Ảnh 2.

Không có sự chia sẻ, chúng ta đã không tồn tại được như một cộng đồng được gọi là dân tộc Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Những biến động làm tổn hại nền tảng đạo đức của chúng ta có thật, nhưng một dân tộc đã có 4.000 năm lịch sử thì chúng chỉ là thứ dịch cúm theo mùa trong cái lịch sử dài lâu đó của dân tộc mà thôi.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Hãy dọn dẹp cái giường cho mình nằm

* Như vậy, theo ông, lòng tốt đang cần một mảnh đất màu mỡ hơn để sinh sôi?

- Quả thật, sự cảm thông và chia sẻ như hạt mầm đúc sẵn trong tim của chúng ta. Nó có thể nảy mầm xanh tốt, mà cũng khó thể chết héo ở trong đó. Hạt mầm cần một miếng đất màu mỡ. Lòng tốt cần một môi trường xã hội trong lành.

* Riêng chuyện cứu người gặp nạn, nhiều người đưa ra giải thích về sự vô cảm của cộng đồng là bởi họ sợ "làm ơn mắc oán". Ông có "thông cảm" với những lý lẽ này không; hay ngày nay người ta đắn đo, tính toán quá nhiều trước khi quyết định cứu người?

- Chuyện làm ơn mắc oán là có thật. Bị người nhà của nạn nhân đánh đập chỉ là một nửa của vấn đề. Bị các cơ quan chức năng truy vấn là một nửa khác. 

Khi bạn đã đưa một người bị tai nạn vào bệnh viện cấp cứu thì cơ quan công an có thể lưu giữ bạn cho đến khi làm rõ được các vấn đề có liên quan. 

Đặc biệt là làm rõ được về việc bạn có phải là người đã gây ra tai nạn hay không. Rồi muốn hay không, bạn còn phải đứng ra làm chứng và khai báo về rất nhiều điều khác nữa. 

Rõ ràng, một môi trường xã hội như vậy không phải là mảnh đất quá màu mỡ để lòng tốt đơm hoa, kết quả.

* Vậy cơ quan chức năng cần xử sự với người cứu nạn và người với người cần cư xử với nhau như thế nào cho tốt nhất?

- Đối với người nhà của nạn nhân, một cách cư xử bình tĩnh, nhân ái, một thái độ lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau mới là cái chúng ta cần có ở đây. 

Đây là văn hóa ứng xử trong một xã hội văn minh. Chuyện không may có thể xảy ra với bất kỳ ai. 

Nếu chúng ta muốn không bị bỏ mặc hoặc muốn người thân không bị bỏ mặc khi bị tai nạn thì đừng cư xử một cách hồ đồ, nóng vội. 

Không gì có thể biện minh cho việc đánh đập, hành hạ người khác, chưa nói tới đó là người chúng ta phải mang ơn.

Đối với cơ quan công an, việc làm rõ các vấn đề có liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, thái độ ứng xử cho phù hợp cũng cần được quan tâm. Đồng thời, một sự động viên, khích lệ kịp thời người đã cứu giúp nạn nhân cũng là cần thiết.

* Ông có kiến giải gì từ phía từng cá nhân mỗi con người cho tới chuyện quản lý nhà nước để xây dựng một xã hội nhân văn hơn, nhiều tình yêu thương hơn?

- Người Anh có câu ngạn ngữ: "Bạn chính là người dọn dẹp cái giường mà bạn phải nằm trên đó". 

Cũng tương tự như vậy, chúng ta đang kiến tạo ra xã hội mà chúng ta phải sống trong đó. Nếu mỗi người chúng ta không cố gắng làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn thì ai sẽ làm thay cho chúng ta?

Hãy quan tâm đến cộng đồng, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất như việc không bóp còi trong phố, không lấn đường của người đi ngược chiều, không hát karaoke khi hàng xóm đang ngủ... 

Tình yêu quê hương, đất nước nhiều khi bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt như vậy thôi.

Còn về mặt quản lý nhà nước, cần chuyển từ tư duy cai quản sang tư duy phục vụ là rất cần thiết. 

Nếu các cơ quan nhà nước đều coi việc phụng sự người dân là nghĩa vụ thiêng liêng thì tinh thần đó không thể không cộng hưởng ra toàn xã hội.

* Bác sĩ Chu Tấn Sĩ (trưởng khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115):

Cứu người cần đúng cách

bs chu tan si ngay 29-6 1(read-only)

Khi gặp người bị nạn mà ai cũng lao vào sơ cứu khi chưa có đủ kiến thức là điều hoàn toàn không nên.

Tôi nghĩ cần phải có một bài học phổ biến về quy trình sơ cứu người trong các trường THPT, xem đó như là phản xạ quen thuộc để mọi người biết được việc gì nên làm và không nên làm khi gặp sự cố giữa đường.

Bởi nếu không biết sơ cứu mà cứ lao vào cứu người thì có thể vô tình làm cho tình trạng bệnh nhân tệ hơn.

Mọi động tác di chuyển nạn nhân bị tai nạn đều có thể gây tổn thương nguy hiểm hệ thần kinh tủy sống cổ gây yếu liệt sau này nếu làm không đúng cách.H.LỘC ghi

* LS Nguyễn Hoàng Hải (Đoàn luật sư TP.HCM):

Không cứu người có thể bị phạt 5 năm tù

ls nguyễn hoàng hải 170519 ngay 29-6 2(read-only)

Hình ảnh do camera ghi lại cho thấy tài xế taxi Vinasun đã xuống xe quan sát và biết rõ tình trạng của hai nạn nhân đi xe máy nhưng rồi lên xe đi tiếp, bỏ mặc hai nạn nhân trong tình trạng nguy kịch.

Với hành vi đó của tài xế taxi Vinasun hoàn toàn có thể bị khởi tố theo khoản 2 điều 132 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, với tình tiết "người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm".

Ngoài ra hành vi gây tai nạn rồi bỏ đi của tài xế taxi Vinasun được xem là hành vi đáng lên án trước mạng sống của đồng loại.

Hành động đó thể hiện sự vô cảm và sự xuống cấp đạo đức của một số người trong xã hội hiện nay cần phải lên án mạnh mẽ.

Cô ấy nằm trên lề đường trong đêm mười mấy phút, bạn

TTO - Cô gái ấy nằm trên lề đường ở Q.Tân Phú (TP.HCM) một mình suốt mười mấy phút sáng sớm 25-6. Cô đã ra đi vĩnh viễn mà không thể nhắn gửi ai đó chuyển một lời tới mẹ, tới con gái.

THIÊN ĐIỂU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên