14/05/2019 15:16 GMT+7

Bộ luật lao động 'bao bọc' người lao động, còn doanh nghiệp 'khốn cùng'!

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Với dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, người lao động được 'bao bọc' hơn, nhưng doanh nghiệp đang rất khốn khổ vì những vướng mắc từ luật sẽ lại thêm vướng hơn, khốn cùng hơn.

Bộ luật lao động bao bọc người lao động, còn doanh nghiệp khốn cùng! - Ảnh 1.

Khá đông DN, đại diện các hiệp hội DN dự hội thảo góp ý Bộ luật lao động (sửa đổi) do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 14-5 - Ảnh: Đ.BÌNH

Đại diện hầu hết hiệp hội dệt may, da giày, điện tử, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam, các DN xuất khẩu thủy sản đều bày tỏ như vậy tại hội thảo "Góp ý dự thảo (sửa đổi) từ cộng đồng DN" do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14-5.

Luật khiến doanh nghiệp rất khốn khổ, khốn cùng. Doanh nghiệp Việt Nam không thể lớn mạnh, phát triển cũng vì những điều quy định như trong luật hiện hành, như quy định tiền lương giờ làm thêm, tăng lương tối thiểu hằng năm trong khi năng suất lao động không tăng

Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sông Hồng BÙI ĐỨC THỊNH

Người sử dụng cần có... quyền ngang với người lao động

Theo đại diện các hiệp hội DN, bất chấp "sức khỏe DN" thế nào, hằng năm cũng phải điều chỉnh tăng lương cho . Giờ làm thêm thì khống chế thấp, chỉ 200 giờ/năm và trường hợp đặc biệt thì tối đa không 300 giờ/năm.

Trong khi lương tăng, tiền xăng tiền điện tăng đều, giá vật tư nhập về cũng tăng thì giá thành sản phẩm xuất khẩu không tăng, còn bị đối tác "dìm giá"…

Theo vị này, người sử dụng cần có quyền ngang với người lao động. Quy định như hiện hành hay dự thảo sẽ khiến người lao động chây ì hơn, cảm tưởng như người lao động được "bao bọc", như vậy sẽ kìm hãm sự phát triển của xã hội, của DN.

Lấy ví dụ, người lao động chỉ cần báo trước là được nghỉ, được đơn phương chấm dứt hợp đồng, còn phía chủ sử dụng lao động lại không được như vậy.

Cụ thể hơn, "trong thử việc, nếu thấy không hợp thì người lao động nghỉ, còn DN muốn cho nghỉ thì lại phải chứng minh người lao động không phù hợp, không đáp ứng được công việc mới cho nghỉ".

Bộ luật lao động bao bọc người lao động, còn doanh nghiệp khốn cùng! - Ảnh 3.

Đại diện Hiệp hội DN xuất khẩu thủy sản tham luận - Ảnh: Đ.BÌNH

Trong phần tham luận của mình, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng dự thảo luật "nghiêng về bảo vệ người lao động, không bình đẳng với giới chủ sử dụng lao động".

Đại diện Hiệp hội DN xuất khẩu thủy sản (Vasef) cho rằng quy định không được kỷ luật người lao động khi nuôi con dưới 12 tháng tuổi là cứng nhắc. Người lao động sẽ vin vào cớ này để nếu có vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm nội qui của DN thì cũng khó mà xử lý.

"Có nhiều điểm không tạo sự công bằng giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, sẽ tạo sự trì trệ. Ví như quy định người lao động chỉ bị đuổi việc khi nghỉ 6 ngày liên tục/tháng. Vậy họ nghỉ cách ngày thì sao, họ chỉ nghỉ 4-5 ngày thì sao.

Vậy nên cần quy định người lao động nghỉ 5 ngày trong một tháng là DN có thể đuổi, chứ không phải là nghỉ 6 ngày liên tục không lý do" - đại diện Vasef phát biểu.

Luật khiến doanh nghiệp "khốn khổ, khốn cùng"!

Ông Bùi Đức Thịnh - chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sông Hồng - thẳng thắn bày tỏ: "Luật khiến DN rất khốn khổ, khốn cùng. DN Việt Nam không thể lớn mạnh, phát triển cũng vì những điều quy định như trong luật hiện hành, như quy định tiền lương giờ làm thêm, tăng lương tối thiểu hằng năm trong khi năng suất lao động không tăng.

DN làm là tay làm hàm nhai, nếu lao động trong 8 tiếng làm việc không xong thì anh phải thêm giờ làm cho xong, sao DN không được phạt người lao động mà lại phải trả lương cho họ khi họ làm sau 8 tiếng?".

Hầu hết các đại diện hiệp hội đều tán thành với dự thảo cho phép tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm. Tuy nhiên cũng có ý kiến muốn phải tăng lên 450, thậm chí 500 giờ/năm.

Ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội Dệt may, cho biết hiệp hội đồng ý với dự thảo khi bỏ việc quy định giờ làm thêm theo tháng, vì quy định tối đa 30 giờ/tháng thì rất ngặt nghèo cho DN.

Ông Cẩm kiến nghị "giờ làm thêm nên nới rộng ra hơn 40 giờ/tuần. Phải tăng thêm 50% so với hiện hành, với ngành đặc biệt phải tăng lên 450 giờ/năm". Ông Bùi Đức Thịnh thì "muốn giờ làm thêm có thể tăng 500 giờ/năm".

Đại diện Vasef cho biết tổ chức này đồng ý về tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm, bởi "ngành thủy sản thì còn phụ thuộc mùa cá, giờ tàu về, rồi đơn hàng nên cần phải linh động trong giờ làm thêm.

Tăng lên 450 giờ/năm cũng là hợp lý và không nên quy định giờ làm thêm tối đa trong tháng, vì đặc thù nghề cá rất khác với các ngành khác".

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên