Bỏ lơ tư vấn tâm lý học đường

MỸ DUNG 28/11/2015 04:11 GMT+7

TTCT - Dù ngành giáo dục TP.HCM đang coi tư vấn tâm lý trong nhà trường là một nhiệm vụ quan trọng và bức bách nhưng tại nhiều trường THPT, THCS, hoạt động này vẫn bị coi nhẹ, thậm chí bỏ lơ...

Cây tâm sự dành cho những ước mơ của học sinh Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM được đặt trong phòng tư vấn tâm lý
Cây tâm sự dành cho những ước mơ của học sinh Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM được đặt trong phòng tư vấn tâm lý

Cô Bùi Thị Kiều, giáo viên tâm lý Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), đưa ra một ví dụ về nhu cầu tư vấn tâm lý học đường: một lần ghé thăm phòng tư vấn tâm lý của một trường THCS, thấy quá đông học sinh “xếp hàng” để được vào tư vấn, cô đã tình nguyện giúp các đồng nghiệp “gỡ rối” cho học sinh. Ca điển hình, theo cô Kiều, học sinh “khóc như mưa” vì bức bách về tình cảm gia đình.

Nơi có, nơi làm hời hợt

Theo một khảo sát trên 150 học sinh THPT tại TP.HCM của cô Lê Thị Hằng, Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT), có 30% thường xuyên gặp phải vấn đề tâm lý cần được giúp đỡ, 70,6% thỉnh thoảng gặp vấn đề..., 14% học sinh mong muốn có phòng tư vấn riêng biệt, ấm cúng và có những buổi nói chuyện ngoại khóa về các vấn đề tâm lý.

Phòng tư vấn tâm lý của Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM) đi vào hoạt động mới được ba năm nhưng ngày nào các chuyên gia tâm lý ở đây cũng phải làm việc “hết công suất”. Danh sách được tư vấn tâm lý đã tới con số 970 và đều là những “ca” khó: các em gặp khó khăn tâm lý khi cha mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, tình cảm nam nữ, khó xử trong các mối quan hệ bạn bè, xã hội và với thầy cô...

“Có sự khác biệt về số lượng, nội dung chia sẻ tâm lý trước và sau khi chúng tôi thay đổi mô hình tư vấn tâm lý trong nhà trường” - cô Trần Thị Thu Ngân, hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong, cho biết.

Trước đây, một thầy giáo dạy sử kiêm giám thị đã lớn tuổi đảm nhiệm luôn vị trí tư vấn tâm lý học đường. “Thầy là người có kinh nghiệm, rất hiểu tâm lý học sinh, nhưng có thể do thầy là giám thị, là giáo viên nên thực tế rất hiếm học sinh tìm đến thầy.

Hồi đó, khi thấy học sinh có “vấn đề” trên lớp, trong học tập, sinh hoạt, trường mời xuống gặp thầy giám thị rồi tư vấn luôn” - cô Ngân nhớ lại. Cách này không hiệu quả, thậm chí làm học sinh sợ.

Hiểu rằng tư vấn tâm lý rất quan trọng đối với học sinh nên Trường THCS Lý Phong đã thay đổi cách làm. Hiện trường có một phòng tư vấn tâm lý được bố trí theo tư vấn của chuyên gia tâm lý TS Huỳnh Văn Sơn, có ba chuyên viên tư vấn làm việc như những chuyên gia độc lập.

“Khi nhân viên tư vấn tâm lý học đường không phải là giáo viên của trường kiêm nhiệm, các em có vẻ thoải mái bộc lộ những mâu thuẫn giữa các em và giáo viên hơn. Chẳng hạn khi các em và giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên bộ môn xảy ra khúc mắc, hiểu lầm, khi nghĩ mình bị trù dập... làm sao các em dám nói ra với giáo viên. Có em tìm tới tôi ngay cả khi không có chuyện buồn phiền hay thắc mắc, đơn giản vì coi tôi là người bạn để tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ về cuộc sống, về học tập, về gia đình. Các em đang ở lứa tuổi chông chênh, dễ buồn, dễ giận, dễ hờn tủi và tổn thương nhưng vẫn muốn được mọi người xung quanh xem là người lớn. Tôi có những kỷ niệm đáng nhớ về những em bế tắc muốn tìm đến cái chết. Chính từ các cuộc trò chuyện mà các em kịp nhận ra sai lầm và sửa sai. Tôi giúp các em hiểu về chính mình, ngày một tự tin hơn, độc lập trong suy nghĩ và hành động hơn”.

Lê Thúy Bảo Nhi (tư vấn viên học đường)

“Tiếp xúc với chuyên gia độc lập, học sinh có thể nói hết những điều mình nghĩ và không còn ngại ngần. Việc thuê chuyên gia độc lập vừa đáp ứng được nhu cầu về thời gian tư vấn tâm lý của học sinh (ngoài giờ học), vừa giúp các chuyên gia này không “băn khoăn” về thu nhập khi phải gắn bó chỉ với riêng trường mình” - cô Ngân nói.

Nhưng theo ghi nhận của phóng viên TTCT tại 10 trường THPT, THCS trên địa bàn TP.HCM, có đến 7 trường THPT chưa có phòng tư vấn tâm lý, một số trường cho biết do không tuyển được giáo viên tâm lý, số khác thì để giáo viên kiêm nhiệm vị trí tư vấn tâm lý.

Tại Trường THPT H., cô giáo phụ trách tư vấn tâm lý ở đây đang đảm nhận cả vị trí... nhân viên thư viện nên “túc trực” ở thư viện. Cô tốt nghiệp ngành tâm lý giáo dục, được tuyển về trường đã lâu. “Trường thông báo nếu học sinh nào có nhu cầu tư vấn tâm lý thì gửi email.

Nếu cần tư vấn trực tiếp thì lên thư viện gặp giáo viên tâm lý. Nhưng học sinh của trường hơi nhát, ngoài hỏi han về hướng nghiệp, các em rất ngại, không dám thổ lộ những chuyện về gia đình, bạn bè, giới tính...” - hiệu trưởng nhà trường thừa nhận. Cũng thật khó hình dung một nơi “công cộng” như thư viện có thể làm chốn thổ lộ tâm tình của học sinh.

Không có phòng tư vấn tâm lý, Trường THPT Q. cũng phân công giáo viên môn giáo dục công dân kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý học đường. “Chúng tôi mới thử nghiệm một năm nay, xem học sinh có nhu cầu đến đâu rồi mới tính đến việc giáo viên chuyên môn” - lãnh đạo trường cho biết.

Bỏ thì thương, vương thì tội?

Trong vòng 10 ngày, phóng viên TTCT tiếp cận gần 100 học sinh tại một số trường THCS, THPT của 6 quận, huyện TP.HCM. Khoảng 60% học sinh được hỏi không biết đến công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường, 40% biết nhưng là về tư vấn hướng nghiệp nhiều hơn là tư vấn tâm lý.

Tại Trường THPT L., dù đã bốn, năm lần giáo viên tâm lý được nhận về nhưng họ đều rời đi chỉ sau vài tháng. Sau hơn ba tháng nhập học, đến nay trường vẫn chưa có giáo viên tâm lý mới. Tương tự, Trường THPT An Nghĩa hiện cũng chưa tuyển được giáo viên tâm lý mới sau khi giáo viên tâm lý cũ chuyển đi nơi khác.

Lương của họ thấp, nhà xa mà làm việc thì như nhân viên hành chính, nên mãi đến nay trường vẫn không thể tuyển được ai. Những trường THPT ngoại thành như chúng tôi rất khó tuyển một người làm đúng chuyên môn vào vị trí này và cũng khó giữ chân họ” - cô Mỹ Linh, hiệu trưởng nhà trường, trải lòng.

Thạc sĩ Trần Đăng Thảo - nguyên giáo viên tâm lý một trường THPT tại TP.HCM, người có tám năm trong nghề - kể lúc mới ra trường, anh không thể ký hợp đồng biên chế vào một trường THPT vì “thiếu hộ khẩu”. Và dù vượt qua được rào cản đó, sự gắn bó với nghề của đa số giáo viên tâm lý trong các trường phổ thông hiện nay tùy thuộc phần lớn vào... hiệu trưởng.

Ngành giáo dục chưa có ngạch về giáo viên tâm lý (chưa có mã số nghề) nên các chế độ cho giáo viên rất thấp, công việc không rõ ràng, nếu không có sự hỗ trợ lớn từ phía nhà trường thì rất ít giáo viên trụ lại” - anh Thảo nói. Với lương khởi điểm chỉ 2,3 triệu đồng/tháng, giáo viên tâm lý mới ra trường nếu không có sự hỗ trợ về tài chính từ nguồn khác thì rất khó đeo đuổi nghề.

Nghề này cũng phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm, sắp xếp, tạo điều kiện, thời gian của ban giám hiệu để giáo viên tâm lý tiếp xúc với giáo viên, phụ huynh, học sinh. Một giáo viên tâm lý mà ngồi chờ học sinh xuống phòng tư vấn tâm lý thì coi như cầm chắc thất bại” - một giáo viên tâm lý nói. Thạc sĩ Thảo có 10 người bạn học cùng trường đại học, từng đi thực tập và làm việc tại các trường THCS, THPT nhưng hiện chỉ còn ba người trụ lại ở nơi họ đã chọn.

“Do lương thấp nên trường phân công tôi dạy thêm mấy tiết giáo dục công dân để tôi có thêm 35% phụ cấp đứng lớp, muốn giúp tôi bớt lo lắng về lương bổng thiếu hụt của một giáo viên tâm lý - cô M., giáo viên công dân kiêm tư vấn tâm lý, kể - Nhưng cũng có những bất ổn. Tôi mong giáo viên tâm lý cũng có vị trí như giáo viên các mảng khác trong trường để chúng tôi cởi bỏ tâm lý bấp bênh trong nghề như hiện nay”. ■

Kỳ tới: Cần chính sách rõ rệt về tư vấn tâm lý học đường

 

“Có sự khác biệt ở các cấp lớp về nhu cầu tư vấn và vấn đề cần tư vấn của các học sinh. Ở lớp 10 và 11, các em quan tâm nhiều tới chuyện tình yêu: có tới 50% các ca tư vấn là về chủ đề này, còn lại là những ca tư vấn về mâu thuẫn giữa bạn bè, với thầy cô và cha mẹ.

Nhưng ở lớp 12, các em lại quan tâm tới việc hướng nghiệp (60%), còn lại mới là những rắc rối trong tình yêu, tình bạn hay với thầy cô, cha mẹ. Có những ca tư vấn mà tôi cảm thấy vượt quá khả năng của mình. Đó là các em bị trầm cảm.

Một học sinh nam có biểu hiện trầm cảm như lo lắng, ra mồ hôi tay, căng thẳng. Tôi đã chuyển em tới một trung tâm điều trị tâm thần nhưng nơi đây lại không làm đúng trách nhiệm. Ba mẹ em lại vất vả tìm một trung tâm khác. Tôi cảm thấy buồn vì không giúp được nhiều cho những trường hợp đó”.

Cô Huỳnh Thị Kiều Oanh

(nhân viên tư vấn tâm lý học đường, Trường THPT Gia Định, TP.HCM)

“Ở cấp II, các em đã quan tâm nhiều tới chuyện tình cảm nam nữ. Các ca tư vấn thuộc lĩnh vực này chiếm trên 60%. Các ca tư vấn về mâu thuẫn trong tình bạn, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái hay học sinh và thầy cô giáo chiếm dưới 40%.

Ở các tỉnh, các ca tư vấn về tình yêu và giới tính chiếm tỉ lệ trên 50%. Các em hay nêu những thắc mắc, ưu tư, trăn trở về hiện tượng đồng tính hay trong mối quan hệ bạn bè. Trong khi đó, ở TP.HCM, các em lại có nhiều quan tâm về xã hội, về hướng nghiệp hơn.

Trong việc hướng nghiệp, các em hay gặp rắc rối, mâu thuẫn trầm trọng với cha mẹ. Tôi rất buồn vì phụ huynh chưa phối hợp tốt với nhân viên tư vấn. Khi các em gặp mâu thuẫn, sự cố trong các mối quan hệ dẫn đến sự suy sụp về tinh thần, thay vì làm việc với nhân viên tư vấn, cha mẹ thường tìm tới giáo viên chủ nhiệm.

Họ thường nghĩ đó là nơi có những quyết định đúng đắn và cần thiết cho con họ. Điều này có lẽ do hiểu biết về lợi ích của công việc tư vấn tâm lý trong học đường của các phụ huynh chưa cao. Công việc này vẫn còn là một điều mới mẻ với mọi người và chưa được đánh giá đúng tầm của nó”.

Cô Lê Thị Minh Hoa

(thạc sĩ tâm lý, nhân viên tư vấn tại Trường THCS

Bạch Đằng, Q.Gò Vấp)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận