17/01/2016 17:25 GMT+7

Bỏ làng mà đi vì nói bậy

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Ông Vương Minh Nha, trưởng Công an xã Ya Ma, cho biết cuối tháng 8-2011 một người dân ở làng Tnung 2 (xã Ya Ma, Kon Chro, Gia Lai) có tổ chức uống rượu. Hôm ấy cả Đinh Krih và em trai mình là Đinh Alech cùng tham gia.

Đinh Krih (áo xanh) cùng em trai mình Đinh Alech và cháu Danh băng rừng rời khỏi túp lều đã sống suốt bốn năm trời - Ảnh: B.D.
Đinh Krih (áo xanh) cùng em trai mình Đinh Alech và cháu Danh băng rừng rời khỏi túp lều đã sống suốt bốn năm trời - Ảnh: B.D.

Khi ngất ngư say, Đinh Krih và Alech buột miệng nói với một người dân trong làng rằng “cái làng Tnung này sẽ chẳng bao giờ khá lên được vì có người có thuốc thư”.

Câu nói của Đinh Krih vô tình như mũi dao găm chặt vào tim gan những người có mặt trong buổi rượu ấy, cho tới khi Đinh Uôt - người cùng ngồi chung trong bữa rượu với Đinh Krih - lên cơn bệnh. Gia đình mời thầy lang tới, cắt cái lá thuốc trên rừng về đổ vào miệng cho uống. Tuy nhiên Đinh Uôt không khỏi.

Từ hôm Uôt bị ốm, những tiếng xì xầm bắt đầu xuất hiện trong các căn nhà gỗ. “Mình biết mình sai rồi nhưng lỡ nói là có thuốc thư thì chẳng biết làm sao. Mình sợ bị đánh, bị giết vì không ai nói chuyện với mình cả” - cả Alech và Krih nói.

Đinh Krih không có vợ, sống cô đơn. Còn Alech thì vợ chết để lại đứa con 5 tuổi. Alech cũng cô đơn nên tìm đến anh trai mình để dựa dẫm. Ba con người, một số phận sống dựa vào nhau giữa ngôi làng. Nhưng từ cái ngày Uôt bị ốm ấy, không đêm nào Krih và Alech ngủ được. Họ sợ.

Một đêm giữa tháng 9-2011, khi người làng Tnung đang ngủ say thì ba con người khốn khổ này phải bỏ làng ra đi. Họ tìm đến một khu rừng cách làng 10km để sống, sống tách biệt, không ai biết.

Đinh Alech kể lại rằng những ngày sống ở rừng, nguồn sống của ông, con gái và anh trai là cá suối, chuột, sóc bắt được trong rừng. Để có tiền mua quần áo mặc, thuốc men mỗi lúc đau ốm, hằng ngày hai anh em xuống các khu rẫy của người Kinh xin cuốc cỏ, mì thuê, vác củi, làm mướn.

Trong bốn năm, họ không dám về làng một lần nào. Một ngày kia, công an Kon Chro phát hiện nơi họ ở nên vận động họ trở về.

Trước khi đưa Krih, Alech và cháu Danh về lại làng, các đoàn thể, công an xã tập trung họp làng thâu đêm, “làm công tác tư tưởng” để làng tha thứ cho chuyện cũ.

Các anh công an cho biết: “Việc đưa Đinh Krih, Alech và cháu Danh trở về không chỉ để giải thoát cho họ khỏi cảnh sống tách biệt giữa rừng, mà quan trọng hơn là chúng tôi muốn tuyên truyền, xác định với dân làng rằng chuyện ma lai thuốc thư là thứ không có thật, là hủ tục hà khắc gây hậu quả xấu cần phải loại bỏ trong đời sống buôn làng”.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên